Nhà hát Kịch Việt Nam dựng "Hamlet": Chọn lát cắt "đối đầu quyết liệt với cái ác"
- Quá lâu mới thấy “Anh cả đỏ” dựng một vở kinh điển, lại sẽ có “Vua Lear” hay “Giấc mộng đêm hè” cũng của Shakespeare đã từng tạo dấu ấn chứ, thưa anh?
- Việc dựng vở kiệt tác kinh điển của thế giới đối với một nhà hát đầu ngành như Nhà hát Kịch Việt Nam đáng nhẽ phải là một việc làm thường xuyên, nhưng lại bị bỏ bẵng nhiều năm bởi điều kiện thời gian, kinh tế, nhân tài… Điều này gây thiệt thòi trước hết cho khán giả, họ ít cơ hội được tiếp cận với những tinh hoa văn hóa nhân loại, tiếp đến là cho chính nghệ sĩ, diễn viên cũng không được cọ xát thường xuyên để bật lên sức sáng tạo. Vì vậy, lần này, chúng tôi rất quyết tâm cho việc dàn dựng “Hamlet”. Cả nhà hát đang coi đây là một đợt tổng tập huấn chứ không chỉ là đợt dựng vở thông thường, để tạo nên một tác phẩm mang thương hiệu nhà hát nữa.
- “Hamlet” nếu dàn dựng cả vở sẽ quá dài, ít nhất 4 tiếng, anh có định chỉnh sửa kịch bản gì không?
- Đã là kịch kinh điển thì quá hay rồi, đương nhiên không cần phải thay đổi hay chỉnh sửa gì. Nhưng đúng là nếu dựng cả vở “Hamlet” thì quá dài. Mà luật bất thành văn để phục vụ khán giả kịch ở Việt Nam là chỉ 2 tiếng họ mới chịu xem. Nên tôi phải cắt “Hamlet” ở những chỗ rườm rà, trùng lặp. Cắt đấy nhưng rồi lại phải thêm, thêm chi tiết để lộ rõ các tuyến nhân vật, để khán giả ngày nay dễ hiểu, dễ tiếp cận chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
- Có quá nhiều bản dựng “Hamlet” trên sân khấu Việt Nam và thế giới, điều cốt yếu anh làm để tạo dấu ấn trong lần dàn dựng này là gì?
- Vở kịch là kiệt tác, khiến người ta trở đi trở lại, muốn sáng tạo, tìm tòi thêm là bởi trong nó có nhiều vấn đề, đa tầng nghĩa chứ không chỉ là một câu chuyện thẳng thừng từ đầu đến cuối. Cái quan trọng của người sáng tạo là chọn lát cắt nào để nhấn mạnh. Bản dựng này, tôi chọn “Hamlet” “Đối diện và quyết liệt để tiêu diệt đến tận cùng tội ác, dù đôi khi phải trả giá rất đắt”. Nhấn vào đây cũng là cách tôi muốn thể hiện tính thời đại của câu chuyện vẫn còn giá trị trong cuộc sống hôm nay.
- Sân khấu luôn luôn là điều quan trọng trong kịch Shakespeare, đó như một phương tiện chuyển tải ý niệm, tư tưởng của ông. Ở bản này, ai sẽ đảm nhận thưa anh?
- Chúng tôi mời NSND Doãn Châu, cựu Giám đốc nhà hát. Phải nói lần này có ông “tái xuất giang hồ” mới ổn. Ông thổ lộ rất yêu Shakespeare, đã từng thiết kế sân khấu rất hay cho “Vua Lear”, “Giấc mộng đêm hè” thành công của Nhà hát. Sau khi trao đổi ý tưởng dàn dựng, họa sĩ Doãn Châu đã có được một phương án giải quyết toàn bộ vấn đề về không gian, có sự biến ảo và giàu dụng ý song lại rất đơn giản và thoáng.
- Anh có thể nhắc thêm về ê kíp sáng tạo sát cánh cùng anh trong vở này?
- Ngoài NSND Doãn Châu làm sân khấu, có nghệ sĩ Đoàn Thị Tình thiết kế phục trang tôi cũng khá ưng vì theo đúng ý tưởng và chi tiết cần lưu ý của trang phục hoàng gia Châu Âu. Nhạc sĩ Giáng Son sẽ chịu trách nhiệm phần phổ nhạc giao hưởng cho các đoạn thơ vô cùng đẹp của “Hamlet”. Chúng tôi còn mời võ sư Lê Ngọc Quang của Hội Võ thuật Hà Nội làm biên kịch võ thuật và đấu kiếm. Trong quá trình tập, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái và giảng viên sân khấu Trịnh Thị Thủy sẽ tư vấn phần văn học kịch để ê kíp “vỡ” về câu chữ, phong cách của đại văn hào Shakespeare. Còn diễn viên, chúng tôi huy động cả hai đoàn diễn xuất. Hamlet do Tuấn Minh đóng, vị trí thế là Xuân Bắc. Ophelia là Ngô Thuận hoặc Quỳnh Hoa, Claudius do NSƯT Trung Anh và NSƯT Quốc Khánh đảm nhận, Gertrude là Phương Nga và Ngân Hoa vào vai... Ai thể hiện đúng ý tưởng của tôi sẽ được chọn kíp diễn chính.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo An Nhi /thực hiện
Bình luận