HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 110 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, 70 THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH, 15 NĂM CHIA TÁCH, THÀNH LẬP TỈNH LAI CHÂU | Chính trị | Chính trị
Lai Châu 110 năm lịch sử và phát triển, Đảng bộ Lai Châu 70 năm xây dựng và trưởng thành
1- Đảng bộ tỉnh Lai Châu (mới) thành lập, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, từng bước ổn định nâng cao đời sống nhân dân (2004-2005)
Nhằm tạo điều kiện cho vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng phát huy được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI đã ra Nghị quyết về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính thành lập tỉnh Lai Châu mới. Bộ Chính trị ra quyết định số 878-QĐ/TW, ngày 25/12/2003 về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Lai Châu mới gồm 33 đồng chí, Ban Thường vụ 11 đồng chí; đồng chí Phạm Ngọc Thiểm được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Lò Văn Giàng, Nguyễn Minh Quang được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
Ngày 01/01/2004, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có mặt ở thị trấn Tam Đường để triển khai nhiệm vụ. Ngày 02/01/2004, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp phiên đầu tiên bàn và xác định tập trung lãnh đạo các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt để đảm bảo sự ổn định và phát triển của tỉnh mới. Ngày 10/01/2004 tỉnh tổ chức lễ ra mắt Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân lâm thời. Ngày 12/01/2004 tổ chức lễ tiếp nhận huyện Than Uyên từ tỉnh Lào Cai về tỉnh Lai Châu mới.
Ngay sau khi thành lập, tỉnh nhận được sự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là chuyến thăm và làm việc với tỉnh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Sự quan tâm đặc biệt đó là nguồn cổ vũ, động viên đối với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng như: triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX; các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bầu cử HĐND các cấp... đã tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn tỉnh.
Sau khi chia tách, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao, điều kiện, phương tiện làm việc, tổ chức bộ máy và cán bộ đang từng bước kiện toàn nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cơ sở vật chất các cơ quan tỉnh, huyện Tam Đường, nơi ăn ở sinh hoạt của cán bộ, thiên tai mưa đá, rét, gió lốc, dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số nơi; một số nhân tố gây mất ổn định chính trị, những diễn biến về giá cả thị trường... đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, tư tưởng và đời sống Nhân dân.
Trong điều kiện đó, Tỉnh uỷ đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo các cấp, các ngành, Nhân dân các dân tộc phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 8% một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt vụ đông xuân đạt 40.931 tấn, đạt 42,26% kế hoạch lương thực năm. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình khai hoang theo Quyết định 186 của Chính phủ, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh khai hoang được 520 ha ruộng bậc thang. Diện tích cây chè toàn tỉnh 3.995,6 ha, đã chế biến 694,4 tấn chè khô, tích cực triển khai các điều kiện để trồng mới 200 ha chè; trồng mới được 303 ha cây thảo quả, đạt 101% kế hoạch; khoanh nuôi bảo vệ được 33.237 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 11.328 ha, chăm sóc 2.646 ha rừng trồng, nâng độ che phủ của rừng lên 33,2%. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định; đàn trâu tăng 8,3%, đàn bò tăng 10%, đàn lợn tăng 5,4% (so với cùng kỳ năm 2003).
Sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển khá. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 170 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá đạt 455 tỷ đồng, năm 2005 đạt 585 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 35 tỷ đồng. Doanh thu từ dịch vụ vận tải đạt 25.829 triệu đồng, thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25.529 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt 1.262.815 triệu đồng tăng 56% so với năm 2004. Chi ngân sách địa phương đạt 1.262.815 triệu đồng. Tổng vốn huy động từ dân và các nguồn vốn khác đạt 588 tỷ đồng, tăng 182 tỷ so với năm 2004. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch thị xã tỉnh lỵ tại thị trấn huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường, thị trấn Tam Đường tại xã Bình Lư, thị trấn huyện Phong Thổ tại xã Pa So. Tiếp nhận bàn giao các công trình xây dựng cơ bản; tập trung cho các công trình nâng cấp công sở, xây nhà công vụ, khu chung cư cho cán bộ công chức. Đã tập trung chỉ đạo các công trình trọng điểm: nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh (quy mô 500 giường bệnh), lưới điện 110KV, kiên cố hoá trường lớp, chương trình 135, 500 bản…
Tỉnh đã sớm có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục-đào tạo; đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo cho thành lập trường Dân tộc tộc nội trú tỉnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trường sư phạm, trường trung cấp y tế, hợp đồng đào tạo giáo viên. Chỉ đạo tiếp nhận học sinh chuyển từ tỉnh Điện Biên đến học tập ở Lai Châu… Năm 2003-2004 đã huy động 69.749 học sinh các cấp đến trường; trong đó: số trẻ em trong độ tuổi đến lớp đạt 92-95%. Năm học 2005- 2006 tổng số học sinh là 88.107 em, tăng so với năm học trước 9.191 em, có 625 trường học tăng 48 trường so với năm 2004, bổ sung 1.222 giáo viên, quy mô giáo dục được mở rộng, 100% số xã có trường lớp trung học cơ sở, cơ bản hoàn thành chương trình kiên cố hoá trường lớp trong toàn tỉnh; chất lượng giáo dục được giữ vững; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp: tiểu học 99%, THCS 97,9%, THPT 94,7%.
Tỉnh uỷ đã có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác quân sự-quốc phòng-an ninh. Các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, nhất là lực lượng quân sự, công an, biên phòng đã tích cực tham mưu, triển khai thực hiện; tập trung vào việc xây dựng, củng cố lực lượng, nắm tình hình cơ sở, chủ động giải quyết những vấn đề mới nảy sinh, nên tình hình an ninh, chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được ổn định, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia.
Quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tiếp tục được mở rộng. Đoàn đại biểu tỉnh đã sang thăm, làm việc tại Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đoàn đại biểu Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã sang thăm, làm việc tại tỉnh. Hai bên đã bàn, thống nhất một số chủ trương hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, thống nhất việc hợp tác khai thác, tiêu thụ quặng sắt tại xã Huổi Luông huyện Phong Thổ.
Tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) và xây dựng Nghị quyết ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá IX) về “Một số chủ trương, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng”, các chỉ thị về: nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quân sự-quốc phòng; lãnh đạo cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 thành công tốt đẹp... Ra nghị quyết của Tỉnh uỷ và tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh để triển khai Nghị quyết về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2004-2010”. Đã xác định 10/74 xã đặc biệt khó khăn nhất, hàng năm trích ngân sách 10 tỷ đồng hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, phân công các cơ quan tỉnh phụ trách giúp đỡ các xã nghèo; chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về “Một số công tác vùng dân tộc Mông”.
Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện. Chuẩn bị tốt công tác nhân sự, HĐND các cấp. Tiếp nhận bàn giao bộ máy cán bộ huyện Than Uyên, bộ máy công chức và một số xã, phường thuộc tỉnh Điện Biên về Lai Châu. Rà soát đội ngũ cán bộ hiện có, giao chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể. Trong hai năm 2004 - 2005 đã cơ bản hoàn thành quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh, kết nạp được 1573 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 9978 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc 4.940 đồng chí.
2- Đảng bộ tỉnh Lai Châu lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân (2006 - 2019)
2.1- Giai đoạn 2006-2010
Trong bối cảnh Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị hai năm đầu chia tách, thành lập tỉnh mới. Từ ngày 14 - 17/12/2005 tại thị xã Lai Châu, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XI được tiến hành trọng thể. Dự Đại hội có 249 đại biểu từ 10 đảng bộ trực thuộc thay mặt cho 10.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Minh Quang được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm phấn đấu của nhân dân các dân tộc Lai Châu đã giành được những thành tựu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 8 triệu đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp 34%; công nghiệp - xây dựng 35%; dịch vụ 31%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có sự phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng lương thực có hạt hằng năm tăng, năm 2005 đạt 123.184 tấn, đến năm 2010 đạt 159.796 tấn, tăng 36.612 tấn so với năm 2005; bình quân lương thực đầu người đạt 410 kg. Cây công nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển, đặc biệt là cây cao su; năm 2008, toàn tỉnh trồng được 1.526,5 ha, đến năm 2010 trồng mới trên 2.500 ha, nâng tổng diện tích cây cao su toàn tỉnh lên gần 7.000 ha; vùng chè tiếp tục được đầu tư, từng bước đưa giống mới chất lượng cao vào sản xuất. Chăn nuôi phát triển, đã và đang hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung theo hình thức hộ gia đình; nuôi trồng thủy sản phát triển với nhiều mô hình mới như: nuôi ba ba, cá chim trắng, tôm càng xanh, cá hồi, rô phi đơn tính... Lâm nghiệp có bước phát triển khá, kinh tế rừng được quan tâm đầu tư phát triển. Chú trọng khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng, nhất là rừng đầu nguồn và trồng rừng mới, đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%, tăng 4,4% so với năm 2005. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tiếp tục có bước phát triển, chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 17%/năm.
Năm 2010, thu ngân sách trên địa bàn đạt 250 tỷ đồng, tăng hơn 3,3 lần so với năm 2005. Hoạt động thương mại phát triển khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,4%/ năm, mạng lưới kinh doanh được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân.
Thực hiện thành công chương trình di dân tái định cư các công trình thủy điện, đầu tư xây dựng mới hàng trăm điểm, khu tái định cư, di chuyển và tiếp nhận an toàn hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng ngập các thủy điện Sơn La, Bản Chát, Huổi Quảng. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, được các cấp, các ngành chỉ đạo chặt chẽ và có nhiều chuyển biến.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư. Hệ thống các trường đào tạo cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề được thành lập, từng bước đi vào hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, việc làm, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học; ưu tiên bố trí giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng, chất lượng cho các trường trung học cơ sở ở các xã vùng cao; công tác phổ cập giáo dục được quan tâm triển khai và đạt được những kết quả tích cực.
Mạng lưới y tế được kiện toàn và phát triển, tổ chức bộ máy ngành y tế đã cơ bản được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh có 1 bệnh viện đa khoa tỉnh, 1 bệnh viện y học cổ truyền, 1 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 9 trung tâm chuyên khoa tỉnh, 9 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế dự phòng thị xã, 14 phòng khám đa khoa khu vực, 98/98 xã có trạm y tế, với 1.264 giường bệnh, tăng 387 giường so với năm 2006. Đội ngũ cán bộ y tế phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đã có thạc sỹ và bác sỹ chuyên khoa II.
Công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực. Ban hành hệ thống văn bản quản lý, cơ chế, chính sách kịp thời về khoa học, công nghệ và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh; xã hội hóa đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi, rộng khắp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai tích cực, hiệu quả. Năm 2010, 60% hộ gia đình, 50% thôn, bản và 70% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; 1.024/1.087 bản, khu phố đã xây dựng được quy ước, hương ước, trong đó có 496/1.087 quy ước, hương ước đã được phê duyệt đưa vào thực hiện. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc thiểu số được bảo tồn, tôn tạo. Hoạt động thể dục - thể thao từng bước được xã hội hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Báo chí, phát thanh - truyền hình, văn học - nghệ thuật có nhiều tiến bộ, nội dung, hình thức, chất lượng, hiệu quả tuyên truyền được nâng lên. Tỷ lệ hộ dân được nghe đài phát thanh đạt 92%, tăng 42% so với năm 2005, tỷ lệ hộ được xem truyền hình đạt 82%, tăng 52% so với năm 2005. Hoạt động văn học, nghệ thuật có bước phát triển, nhiều công trình nghiên cứu văn hóa các dân tộc đã được giới thiệu và được đánh giá cao, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh miền đất, con người Lai Châu trong thời kỳ mới.
Thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững mạnh; tiềm lực khu vực phòng thủ được tăng cường, gắn nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
An ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tích cực. Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy các huyện biên giới đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các xã biên giới. Chủ động, phối hợp triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, góp phần làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ ngày càng phát triển, thông qua việc tổ chức nước ngoài đầu tư và ký kết thực hiện một số chương trình, dự án của tỉnh và việc cử cán bộ đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài.
Công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh đã góp phần tích cực, quyết định đến sự ổn định về chính trị của tỉnh, triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước. Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên được đẩy mạnh, trong nhiệm kỳ đã thành lập 617 chi bộ thôn bản, 112 chi, đảng bộ cơ sở, kết nạp hơn 6.500 đảng viên.
Hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp có đổi mới, tiến bộ. Năng lực, trình độ, kinh nghiệm hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân được nâng lên. Thực hiện khá đồng bộ chương trình cải cách hành chính, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định quản lý, điều hành, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2.2- Giai đoạn 2010 - 2015
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã được tiến hành trọng thể từ ngày 22 đến ngày 24/9/2010 tại thị xã Lai Châu, với 300 đại biểu, đại diện cho hơn 15.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội đã bầu ra 55 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành; 15 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Lò Văn Giàng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
Ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện toàn diện các mặt công tác đạt kết quả trên các lĩnh vực, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Kinh tế của tỉnh giai đoạn này tiếp tục phát triển và có bước tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,98%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp: 23,55% (giảm 10,45%); công nghiệp - xây dựng: 29,48% (giảm 5,52 %); dịch vụ: 46,97% (tăng 15,97%). GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 18,2 triệu đồng, tăng 1,85 lần so với năm 2010. Sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển khá toàn diện theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hình thành, phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa, ngô, cao su, chè... Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 190.000 tấn, tăng trên 26.000 tấn so với năm 2010; giá trị sản xuất tăng bình quân 3,34%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ, đến năm 2015 bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã, 15/96 xã (bằng 15,6%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 21,58%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2010. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, tăng trưởng bình quân 20%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, thị xã Lai Châu được nâng cấp lên Thành phố trực thuộc tỉnh năm 2013; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, (trong đó 92,7% số xã có đường ô tô đi lại được các mùa), 80% bản có đường xe máy đi lại thuận lợi; 100% xã, phường, thị trấn và trên 84% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 87% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, 75% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 86,2% phòng học đạt kiên cố và bán kiên cố. Hoàn thành di chuyển trên 4.000 hộ tái định cư thuỷ điện Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát; ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho gần 10.000 hộ tái định cư các dự án thuỷ điện. Vùng kinh tế từng bước phát triển theo quy hoạch; các thành phần kinh tế được quan tâm tạo điều kiện để phát triển bình đẳng.
Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển khá, dân trí được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển nhanh, nhất là quy mô trường, lớp học. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giữ vững chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã hướng vào phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Các nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học cho các ngành, các cấp trong hoạch định chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống y tế phát triển khá đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở; đạt 8 bác sỹ/1 vạn dân, trên 50% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%. Hoạt động văn hóa, thể thao được chú trọng; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 80% hộ gia đình, 60% thôn, bản, khu phố, 90% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá. Hoạt động báo chí có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng. Mạng lưới bưu chính - viễn thông được mở rộng và phát triển. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường được tăng cường. Thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,2%/năm. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả; triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc; nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc.
Bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được nâng lên. Thường xuyên thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội bảo đảm; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên các lĩnh vực trật tự xã hội được nâng lên. Hoạt động của các cơ quan tư pháp được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy trình; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm đúng pháp luật. Quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và các tổ chức quốc tế tiếp tục được duy trì, phát triển. Hoạt động ngoại giao Nhà nước với ngoại giao Nhân dân, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia được kết hợp chặt chẽ.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục có sự đổi mới. Công tác chính trị, tư tưởng có nhiều đổi mới, thiết thực, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Làm tốt công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng; kết nạp trên 8.000 đảng viên, thành lập 127 tổ chức cơ sở đảng, 620 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Đến năm 2015, 100% thôn bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế có chi bộ độc lập. Chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác nội chính được quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời. Công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tiếp tục có sự đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên. Lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; học tập, làm theo lời Bác dặn trong Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu. Góp phần củng cố, xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Nâng cao hiệu lực quản lý điều hành, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các kỳ họp, hoạt động giám sát, tiếp xúc và giải quyết kiến nghị của cử tri. Hiệu quả chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp được đổi mới, nâng cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Công tác thanh tra được quan tâm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng pháp luật, không để tồn đọng kéo dài.
Dân chủ, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được giữ vững và phát huy. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có bước đổi mới, tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương; thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua. Phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tập hợp, đoàn kết Nhân dân các dân tộc, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được xây dựng vững mạnh.
2.3- Giai đoạn 2015 - 2018
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 được tiến hành từ ngày 13-15/10/2015 tại thành phố Lai Châu. Đại hội đã đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển toàn diện tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015-2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII gồm 50 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 16 đồng chí, đồng chí Nguyễn Khắc Chử được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết gắn với việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương. Tỉnh ủy sớm ban hành 6 nghị quyết chuyên đề, 8 đề án, 12 chương trình hành động, 18 kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương. Phân công các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các địa phương, đơn vị, cơ sở. Lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong năm 2017 và 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định tinh thần chỉ đạo là “Hành động, kỷ cương, hiệu quả”, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Kinh tế phát triển khá, cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước rút ngắn khoảng cách với các tỉnh trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 15,68%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng/người/năm, tăng 1,72 lần so với năm 2015. Đã phát triển, mở rộng một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa, chè, cao su, quế, mắc ca, nuôi trồng thủy sản. Xây dựng và đăng ký thương hiệu một số sản phẩm hàng hóa như: Chè Tam Đường, Tân Uyên; gạo tẻ râu Phong Thổ, gạo Séng cù Than Uyên; chuyển đổi diện tích cây trồng trên nương có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như: chè, quế, sơn tra, mắc ca. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 216 nghìn tấn. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm chè với các giống chủ lực như: Shan Tuyết, Kim Tuyên; tổng diện tích cây chè 5.895 ha, tăng 2.394 ha so với năm 2015; đưa vào khai thác mủ 3.445 ha cao su, sản lượng mủ khô đạt 2.850 tấn. Phát triển cây mắc ca 1.798 ha, sơn tra 1.937 ha, quế 6.066 ha. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân đạt 4-5%/năm; nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển, tăng cả về diện tích và sản lượng; duy trì phát triển các cơ sở nuôi cá nước lạnh, phát triển mới một số điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ các thủy điện. Trồng mới 8.604 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt trên 49%, tăng 3,7 điểm % so với năm 2015. Bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 2,59 tiêu chí so với cuối năm 2015; có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 15 xã so với năm 2015), chiếm 31,25% số xã.
Tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Rà soát, ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp có tiềm năng lợi thế của tỉnh như: thủy điện, chế biến nông, lâm sản... Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 2010) giai đoạn 2016-2018 đạt 10.211 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 32,6%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đạt khá và vượt kế hoạch đề ra, năm 2018 đạt 2.246,8 tỷ đồng. Tổng dư nợ 15.149 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2015. Hoạt động thương mại, dịch vụ được duy trì và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng bình quân tăng 6,9%/năm; tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng 34%/năm, giá trị xuất khẩu hàng địa phương tăng 25,4%/năm, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chè khô, chuối, ngô... Tổng lượt khách và doanh thu hoạt động du lịch bình quân tăng trên 13%/năm. Dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông tiếp tục được đầu tư, phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016- 2018 đạt 13.000 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã có mặt đường cứng hóa đến trung tâm xã; 88,5% số thôn, bản có đường xe máy đi được thuận lợi, 100% xã, phường, thị trấn và 93% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 80,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 87% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cơ bản được hoàn thiện, trên 80% trạm y tế có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; thiết chế văn hóa - xã hội cơ sở tiếp tục được đầu tư, xây dựng, nâng cấp (xây mới 206 nhà văn hóa, 12 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, 325 sân tập các loại; tổng số trạm nhát sóng FM 81 trạm). Công tác quản lý, phát triển đô thị được tăng cường thực hiện; quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các đô thị được điều chỉnh và quản lý chặt chẽ; kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp.
Phát triển 3 vùng kinh tế: Vùng kinh tế động lực quốc lộ 32, 4D: đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao; hình thành, mở rộng phát triển vùng sản xuất tập trung: lúa, chè, quế, mắc ca; phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản (các sản phẩm chủ yếu so với toàn tỉnh: chè khô chiếm 99,9%, đá xây dựng chiếm 55,3%, gạch xây các loại chiếm 66,5%, nước máy sản xuất chiếm 94,7%); sản phẩm chủ lực của vùng là chè khô đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2016-2018 đạt 50,21 triệu USD, chiếm 77,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà: tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân vùng tái định cư công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hệ thống giao thông liên vùng, đường đến trung tâm xã; đưa vào khai thác mủ cao su trên 2.900 nghìn ha, năng suất đạt 8,3 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2.400 tấn; trồng mới trên 3.213 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,7%; sản xuất công nghiệp thủy điện đã phát huy lợi thế, sản lượng điện phát ra chiếm 80% tổng sản lượng toàn tỉnh. Vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ: tập trung phát triển hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư phát triển cây dược liệu (đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng huyện Sìn Hồ, công nhận điểm du lịch núi đá Ô Tả Phìn, động Quan Âm; nâng cấp tôn tạo khu danh lam thắng cảnh núi đá Ô, xây dựng tuyến đường hạ tầng du lịch thị trấn Sìn Hồ...), đến nay toàn vùng có 13 cơ sở lưu trú với trên 70 phòng nghỉ; diện tích trồng cây dược liệu toàn vùng là 485 ha.
Các thành phần kinh tế được quan tâm tạo điều kiện phát triển bình đẳng. Tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân. Kinh tế tập thể được quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, quản lý, hỗ trợ vốn vay, hiệu quả hoạt động được nâng lên, đã thu hút, tạo việc làm cho trên 2.700 lao động. Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng (giai đoạn 2016-2018 thành lập 494 doanh nghiệp; đến nay, trên địa bàn toàn tình có 1.343 doanh nghiệp đang hoạt động).
Văn hóa-xã hội tiếp tục có bước phát triển. Chất lượng giáo dục-đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, học sinh đi học đúng độ tuổi các cấp, thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học đạt khá và tăng so với các năm học trước; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Quan tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (toàn tình có152 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 36,3%); các trường dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai thực hiện tích cực; hệ thống cơ sở y tế được quan tâm đầu tư, đội ngũ cán bộ y tế được bổ sung tăng cường (năm 2018, toàn tỉnh có 419 bác sĩ, đạt 9,2 bác sĩ/vạn dân; 71,3% trạm y tế có bác sỹ làm việc, tăng 22,23 điểm %, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã 71,3% tăng 22,2% so với năm 2015; thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo trẻ em dưới 6 tuổi; chương trình y tế quốc gia, y tế cộng đồng, giám sát dịch tễ thực hiện có hiệu quả, không để dịch lớn xảy ra.
Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường thực hiện, chú trọng hoạt động đưa thông tin về vùng sâu, vùng xa, biên giới; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, tăng thời lượng phát sóng; đảm bảo thông tin kịp thời, bám sát định hướng tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Trung ương và của tỉnh. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được chú trọng; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống diễn ra sôi nổi, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách tham gia; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, (năm 2018, có 82% hộ gia đình, 63% thôn, bản, khu phố, 93% cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống (đã và đang triển khai 36 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ), nhiều tiến bộ về giống mới, kỹ thuật, mô hình sản xuất được thử nghiệm và áp dụng trên diện rộng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,95%, đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 25,55%; huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận ra khỏi Chương trình 30a; hằng năm, thực hiện đào tạo, tập huấn cho gần 6 nghìn lượt người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn từ 40,5% năm 2015 lên 46,33% năm 2018; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 6,9 nghìn người. Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em được quan tâm thực hiện (đến hết 2018, có 75% xã, phường đạt tiêu chuẩn phù họp với trẻ em, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 67%).
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu sổ, đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,8%/năm, đến hết năm 2018 còn 26%); công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường; tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định và tuân thủ theo pháp luật.
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nắm và quản lý tình hình trên địa bàn, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị, các mục tiêu quan trọng; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; củng cố, xây dựng lực lượng, dân quân tự vệ, huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ huyện, tỉnh; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới và mốc giới quốc gia. Phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hoạt động tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, di cư tự do, khiếu kiện đông người; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm; đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin; tiếp tục xây dựng và duy trì 36/108 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; công tác điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật thực hiện đúng quy định; thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, phòng chống cháy nổ và các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường mở rộng các hoạt động đối ngoại; quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và 3 tỉnh phía Bắc nước CHDCND Lào, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tiếp tục được duy trì và phát triển; triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2017”; công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh; công tác đối ngoại biên phòng Việt - Trung được tăng cường, lực lượng chức năng hai bên thường xuyên phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào được thực hiện đúng quy định.
Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được nâng lên, chú trọng nâng cao chất lượng ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chương trình, kế hoạch... Công tác chính trị, tư tưởng chú trọng giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết; đấu tranh phản bác kịp thời các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; coi trọng sơ kết, tổng kết các nghị quyết, thực tiễn. Tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xác định vị trí việc làm gắn với việc tinh giản biên chế và cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ; rà soát, bổ sung kịp thời quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, chính quyền nhiệm kỳ 2021-2026; công tác luân chuyển cán bộ kết hợp bố trí một số chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương được thực hiện thường xuyên; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cơ sở; tập trung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh; quan tâm tạo nguồn cán bộ, ưu tiên tuyển dụng con em người địa phương, con em dân tộc thiểu số; quan tâm công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên (đã kết nạp 4.902 đảng viên, thành lập 55 tổ chức cơ sở đảng và 102 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, duy trì và giữ vững kết quả 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ). Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát các lĩnh vực công tác nội chính, thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đặc biệt là giải quyết các vụ việc phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Tổ chức triển khai phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tăng cường bám nắm cơ sở, giao ban định kỳ giữa cấp ủy với khối dân vận; phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác dân vận; công tác dân vận của chính quyền, cơ quan nhà nước được tăng cường.
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; duy trì tốt việc học tập chuyên đề hằng năm gắn với nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; 100% cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ngắn gọn, sát chức năng, nhiệm vụ; trên 96% cán bộ, đảng viên xây dựng bản cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, đảng viên sát chức trách, nhiệm vụ. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo chuyển biến rõ nét trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Hiệu lực quản lý điều hành, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh tiếp tục được nâng cao. Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp, ban hành các nghị quyết, tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; từng bước đổi mới phương pháp các hoạt động giám sát, khảo sát; tăng cường đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp cơ bản đảm bảo toàn diện, sâu sát, phân công, phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết công việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng quản lý, điều hành. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng pháp luật, không để tồn đọng kéo dài, không để xảy ra “điểm nóng” về khiếu kiện.
Sức mạnh đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phối hợp thực hiện tốt việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng. Đổi mới nội dung, phương thức việc nắm tâm tư, nguyện vọng, đời sống của Nhân dân. Đẩy mạnh triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua; tổ chức nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện ý nghĩa, thiết thực; củng cố, phát triển tổ chức, tập hợp đoàn viên, hội viên, xây dựng mặt trận tổ quốc, các đoàn thể vững mạnh; hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền từng bước nề nếp, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng khối đoàn kết dân tộc.
(Còn nữa)
BT
Bình luận