Thứ năm, 28/11/2024, 12:32 [GMT+7]

Vượt khó, khẳng định thương hiệu dược liệu

Thứ sáu, 05/07/2024 - 11:57'
Hợp tác xã (HTX) Nông dược Phương Nam đóng chân trên địa bàn xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên). Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, HTX đã và đang sản xuất nhiều loại dược liệu có giá trị bảo vệ sức khỏe con người. Thế nhưng, để phát triển bền vững trong thời gian tới, HTX còn đối mặt và cần vượt qua khó khăn từ nhiều phía.

Trong câu chuyện với ông Phan Văn Ngũ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông dược Phương Nam, chúng tôi thấy rõ sự nhiệt huyết, đam mê với nghề y học cổ truyền ở ông. Bởi thế, khi chúng tôi hỏi những loại bệnh cần đến sự can thiệp của đông y, ông đều có sự hiểu biết nhất định và tư vấn dùng thuốc bằng những kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Gia đình sinh sống ở tỉnh Lào Cai nhưng vì “say” nghề làm dược liệu, ông đã khảo sát địa bàn và quyết định kết hợp với những người cùng chí hướng ở Lai Châu, liên kết với các thành viên để lập nên HTX Nông dược Phương Nam. Hiện nay, HTX liên kết với bà con trồng chè theo phương pháp hữu cơ và trồng cây dược liệu, trong đó phát triển dược liệu sạch, chất lượng vẫn là lựa chọn hàng đầu của HTX.
Ông Ngũ phân tích: Lai Châu có điều kiện khí hậu tốt để trồng dược liệu, đất đai rộng lớn, nguồn lao động dồi dào và giá rẻ. Từ khi thành lập, có thời điểm HTX duy trì hoạt động cho khoảng 40 lao động là người địa phương. Trong năm 2023, nguồn chi phí trả lương cho công nhân trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, thị trường đầu ra rất dễ dàng vì hầu hết sản phẩm không đủ bán. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nhân lực quản lý, nguồn hỗ trợ vốn vay và cả việc tích tụ đất đai theo vùng để HTX có thể trồng các loại dược liệu tập trung, thuận lợi cho sản xuất và chế biến.

Ông Phan Văn Ngũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông dược Phương Nam (người ở giữa) giới thiệu sản phẩm dược liệu với Đoàn công tác của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

Chính vì khó khăn trong mở rộng diện tích sản xuất, thời điểm hiện tại, HTX mới có 4ha dược liệu trên địa bàn tỉnh, tập trung ở thị trấn Tân Uyên, 2 xã: Mường Khoa, Thân Thuộc (huyện Tân Uyên) và rải rác ở các huyện: Phong Thổ, Than Uyên. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến, HTX cũng đang hợp tác với người dân ở khu vực ngoại thành Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích 11ha. Các loại giống dược liệu bao gồm: xạ đen, cà gai leo, bồ công anh, kim ngân hoa, thìa canh. Trong đó, một số giống cây dược liệu được HTX tự ươm tại vườn ươm trên địa bàn huyện Tân Uyên, cây giống đảm bảo khi đưa vào trồng có thể bén rễ và phát triển nhanh.
Hiện nay, HTX Nông dược Phương Nam đã sản xuất được một số sản phẩm: các loại cao của cà gai leo, xạ đen, bồ công anh, thìa canh; viên hoàn chữa trị bệnh xương khớp; các sản phẩm trà túi lọc cà gai leo kết hợp xạ đen và thuốc bột, viên nang điều trị bệnh dạ dày… Các sản phẩm trên có thể hỗ trợ điều trị các bệnh về máu nhiễm mỡ, tiểu đường, xương khớp và là loại thực phẩm chức năng giúp mát gan, giải độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Phản hồi tích cực của người tiêu dùng khiến ban lãnh đạo HTX càng thêm tự tin vào các sản phẩm đã được đưa ra thị trường. Lúc đầu, những sản phẩm được lưu hành thông qua việc biếu, tặng người thân, bạn bè, đối tác… song nhờ “tiếng lành đồn xa”, khách hàng khắp nơi đã đặt hàng và có nhu cầu kinh doanh sản phẩm của HTX. Đầu xuân Giáp Thìn vừa qua, HTX được vinh danh tại Lễ biểu dương thương hiệu uy tín ASEAN hàng Việt chất lượng cao - dịch vụ hoàn hảo, sao vàng doanh nhân Việt Nam, gương sáng trí thức tiêu biểu tại Hà Nội.
Về kế hoạch trong năm 2024, HTX phấn đấu sản xuất khoảng 2,5 tạ cà gai leo và duy trì sản xuất các sản phẩm đã có. Đồng thời, tiếp tục liên kết với các vùng, miền và không ngừng mở rộng diện tích ở những khu vực có tiềm năng đất đai. Nếu các mối liên kết được bền vững, HTX có thể xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu ở Lai Châu, qua đó giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Hoạt động sang năm thứ 2, bước đầu HTX đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, trước tiên là nguồn vốn sản xuất và chi phí cho trả lương nhân công, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, mã vạch, mã vùng và nhiều chi phí kiểm nghiệm cho từng sản phẩm. Do chưa đủ các điều kiện về thế chấp đất đai, nhà xưởng nên HTX không tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng. Trong đó, một trong những yêu cầu không thể thiếu để được nhận nguồn vốn hỗ trợ đó là báo cáo thuế trong 3 năm thì HTX hoạt động chưa đủ thời gian. Hiện nay, HTX mới được cấp đất nên việc xây dựng trụ sở, nhà xưởng chưa được triển khai, cũng là điều khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và địa phương.
Với những khó khăn trên, ông Phan Văn Ngũ mong muốn các cơ quan liên quan của tỉnh, huyện linh hoạt trong thực hiện chính sách ưu đãi; tiếp tục quan tâm hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho bộ máy HTX; chính quyền địa phương tạo cơ chế thông thoáng, đồng hành cùng sự phát triển của HTX.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...