Giao ban hoạt động khoa học - công nghệ cấp huyện, thành phố
Dự Hội nghị có các các Tiến sỹ: Lại Thanh Hải - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lâm sinh; Phan Văn Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ; đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố…
Tại Hội nghị đã thông qua báo cáo kết quả hoạt động KH&CN cấp huyện, thành phố năm 2021. Theo đó, hoạt động KH&CN được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. 9 tháng đầu năm nay, Sở KH&CN quản lý 34 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và 6 nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, tất cả các đề tài, dự án KH&CN triển khai thực hiện trên tất cả địa bàn các huyện. Trong đó, một số nhiệm vụ KH&CN có kết quả nổi bật như: phục tráng thành công giống lúa nếp Khẩu Hốc tại xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên; giống lúa Tả Cù, huyện Phong Thổ; xây dựng các mô hình trồng Sâm Lai Châu tại các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ… Trong 9 tháng đầu năm, các huyện đã thẩm định xét và công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả của trên 1.469 sáng kiến cấp cơ sở.
Quang cảnh Hội nghị giao ban hoạt động KH&CN cấp huyện, thành phố năm 2021.
Việc ứng dụng KH&CN vào địa phương đã tạo nền tảng kiến thức, hiểu biết, kỹ năng cho người lao động, vừa thúc đẩy vừa là cơ sở cho sản xuất và xã hội phát triển, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi căn bản và toàn diện nền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thông qua các mô hình, dự án, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước thay đổi tập quán canh tác sản xuất, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong việc thâm canh, mang lại thu nhập cao hơn. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tăng nhanh các ngành sản xuất có hàm lượng KH&CN cao, giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, Sở KH&CN sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý hoạt động KH&CN cho cán bộ quản lý KH&CN tại địa phương. Các địa phương tăng cường tổ chức ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN sau nghiệm thu, bàn giao trên địa bàn huyện do địa phương đề xuất. Tiếp tục xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương thông qua việc lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp Nhà nước...
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong việc trồng một số loại cây (mía, chanh leo, dưa lưới, chè, chuối, dứa ...); phát triển nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn… Đồng thời, kiến nghị một số nội dung: xây dựng thương hiệu miến dong Bình Lư, mật ong Tam Đường; chế biến quả sơn tra; tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động KH&CN, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chủ lực…
Tại Hội nghị đã thảo luận định hướng nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thực hiện từ năm 2022, đề xuất 11 danh mục: xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Sâm Lai Châu” cho các sản phẩm Sâm của tỉnh Lai Châu theo chuỗi giá trị; nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; phục tráng, phát triển và xây dựng nhãn hiệu giống lúa địa phương “Khẩu Can Hắc” tại huyện Nậm Nhùn; thử nghiệm trồng và phát triển giống dưa lê vàng sọc trắng (dưa lê siêu ngọt) theo hướng VietGAP tại tỉnh Lai Châu; nghiên cứu quy trình chế biến và phát triển các sản phẩm từ cây quế, phục vụ phát triển hàng hóa tại tỉnh Lai Châu; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi cá trắm đen trên lòng hồ thủy điện Bản Chát, huyện Tân Uyên; phục tráng, phát triển sản xuất giống lúa đặc sản tẻ dẻo cao Phong Thổ và xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo dẻo cao Phong Thổ”…
Phương Thanh
Bình luận