Đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Cùng cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố chúng tôi đến thăm và gặp gỡ chị Mai Thị Ánh ở tổ dân phố số 2 (phường Quyết Tiến). Chị Ánh từng tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng rau an toàn năm 2022. Nhờ áp dụng kiến thức vào thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Ánh tâm sự: Nhiều năm tôi trồng các loại rau bán cho tiểu thương nhưng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tích lũy nên năng suất không ổn định. Sau khi tham gia học nghề, nắm bắt thêm kỹ thuật mới từ trồng, chăm sóc, thu hoạch; đặc biệt là chọn giống và trồng đúng mùa vụ, sản xuất an toàn nên năng suất cao, chất lượng sản phẩm được khách hàng tin dùng.
Hay như chị Tẩn Thị Dinh ở bản Hồi Lùng (xã Sùng Phài), kết thúc lớp đào tạo nghề thêu thổ cẩm không những giúp chị có thêm việc làm, tăng thu nhập lúc nông nhàn mà hiểu hơn và trân quý nghề truyền thống của dân tộc Mông. Chị Dua tâm sự: Từ nhỏ tôi đã được làm quen với việc thêu, dệt. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân và gia đình. Được cán bộ xã vận động tham gia lớp đào tạo nghề thêu, dệt thổ cẩm, tôi mạnh dạn theo học và đã học thêm nhiều kỹ thuật thêu họa tiết phức tạp, độc đáo. Giờ đây, những lúc nông nhàn tôi thêu và bán trang phục truyền thống của dân tộc Mông.
Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề chị Mai Thị Ánh nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc rau.
Có thể thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố đã và đang mang lại những lợi ích và hiệu quả thiết thực. Hiện nay, thành phố có 30.976 người trong độ tuổi lao động, trong đó 25.944 người đã qua đào tạo nghề, chiếm 84,6%. Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với nhu cầu.
Năm 2023, thành phố mở 5 lớp đào tạo nghề cho 250 học viên với các nghề: kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật trồng mắc-ca; chăn nuôi gia súc gia cầm; thêu thổ cẩm; pha chế đồ uống. Theo kế hoạch năm 2024, thành phố đào tạo thêm 250 lao động nông thôn.
Anh Trần Văn Huy - cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hằng năm, đơn vị tham mưu UBND thành phố ban hành công văn rà soát nhu cầu học nghề trên địa bàn. Năm nay, qua rà soát nhu cầu và chiêu sinh tại các xã, phường đã có 257 người đăng ký tham gia học nghề. Theo đó, cuối năm phòng sẽ phối hợp mở đồng loạt 8 lớp đào tạo nghề bao gồm: pha chế đồ uống; kỹ thuật chế biến món ăn; thêu thổ cẩm; hướng dẫn viên du lịch; sửa chữa máy nông nghiệp và kỹ thuật trồng rau an toàn. Sau mỗi khóa học phòng đều cử cán bộ đi kiểm tra thực tế tại địa phương, tuy không có sự thay đổi đột phá nhưng hầu hết học viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất hiệu quả, tìm được việc làm mới.
Cùng với mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của lao động tại chỗ, thành phố còn tăng cường hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ thông tin việc làm, giới thiệu lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp và nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2023 đến nay, thành phố có gần 20 người xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... với các ngành nghề: nông nghiệp, lái máy công trình, đóng gói thực phẩm, mỗi tháng gửi về cho gia đình từ 20-30 triệu đồng.
Với những kết quả trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nguồn nhân lực của thành phố ngày càng nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bạch Dương
Bình luận