Đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động
Huyện Mường Tè có 14 đơn vị hành chính, dân số trên 47 nghìn người. Tính đến hết năm 2023 trên địa bàn có khoảng 60% người lao động đã được đào tạo nghề và phấn đấu đến hết năm 2024 tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề đạt 63,5%; sau đào tạo trên 81% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Để đạt được mục tiêu đặt ra, UBND huyện chủ động xây dựng kế hoạch “Triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Mường Tè năm 2024” với 36 lớp, 1.100 học viên theo học 2 nhóm nghề: nông nghiệp và phi nông nghiệp; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn.
Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN -GDTX) huyện Mường Tè là đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở kế hoạch của UBND huyện, trung tâm chủ động phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bà Cao Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX cho biết: Trung tâm xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2024 trên địa bàn huyện gửi các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát theo quy định. Theo đó, năm 2024 trung tâm triển khai mở 27 lớp cho 830 học viên đào tạo nhóm ngành nghề nông nghiệp như: trồng cây dược liệu, cây ăn quả, nấm; nuôi ong mật, thủy sản, gia súc…; 9 lớp với 270 học viên cho nhóm ngành nghề phi nông nghiệp như: xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, điện nông thôn.
Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Tè hướng dẫn học viên kỹ thuật trồng nấm.
Để công tác đào tạo đạt được kết quả theo đúng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động, trung tâm phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của tổ chức, doanh nghiệp. Thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng chương trình đào tạo; bố trí giáo viên đủ điều kiện; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đồng thời cung cấp vật tư, nguyên liệu, vật liệu, tài liệu học tập theo quy định trong chương trình đào tạo. Đồng thời, trung tâm chủ động triển khai các biện pháp đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới, đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề cho học viên; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo cho lao động nông thôn theo yêu cầu của địa phương và đơn vị sử dụng lao động...
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mường Tè mở được 16 lớp đào tạo nghề cho 480 học viên; hoàn thành đào tạo, cấp chứng chỉ nghề sau khi kết thúc khoá học cho 8 lớp với 240 học viên. Học viên tham gia các khoá đào tạo được trang bị kiến thức nghề nghiệp và đổi mới về tư duy và cách làm. Chị Vàng Thị Thanh ở bản Bum, xã Bum Nưa (học viên lớp trồng nấm) cho biết: Vừa qua, tôi đăng ký tham gia lớp học nghề trồng nấm do Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức. Qua thực tế được học và được các thầy, cô giáo cầm tay chỉ việc tôi thấy việc trồng nấm không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong quá trình chăm sóc người trồng phải kiên trì, tỉ mỉ có chế độ chăm bón phù hợp từng giai đoạn phát triển thì cây nấm sinh trưởng tốt. Nguyên vật liệu để làm môi trường nuôi nấm là các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương như: rơm, rạ, mùn cưa thuộc loại gỗ mềm nên chi phí rẻ, sau khi thành phẩm thu nhập từ 40 - 50 nghìn đồng/kg nấm. Sau khi kết thúc khóa học, gia đình tôi sẽ triển khai trồng nấm để có thêm nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế.
Ông Khoàng Sỳ Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết: Xã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; bám sát quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Qua đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động trên địa bàn. Theo đó, năm 2024 xã đã phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện xây dựng kế hoạch mở 4 lớp đào tạo nghề cho người dân, tập trung vào các lĩnh vực: trồng cây ăn quả, nuôi ong mật, xây dựng. Để công tác đào tạo nghề trên địa bàn phát huy hiệu quả, UBND xã chú trọng xây dựng mô hình điểm, lập danh sách theo dõi, đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết thực trạng công tác tổ chức đào tạo nghề tại địa phương, kịp thời rút kinh nghiệm và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định với UBND huyện.
Xác định rõ mục tiêu từ kế hoạch và định hướng cụ thể cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, công tác đào tạo nghề của huyện Mường Tè phát huy hiệu quả. Nông dân nơi thượng nguồn Đà giang đã học nghề theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương và thị trường lao động. Đây là cơ sở để chúng ta đặt niềm tin chất lượng nguồn lao động của huyện Mường Tè sẽ được nâng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động.
Hà Dũng
Bình luận