Thứ năm, 28/11/2024, 18:36 [GMT+7]

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Thứ hai, 22/06/2020 - 11:32'
Với xuất phát điểm thấp, có 9/10 xã đặc biệt khó khăn, ngay sau khi chia tách và thành lập (năm 2013) huyện Nậm Nhùn đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế và thu được nhiều kết quả quan trọng. Số xã đặc biệt khó khăn giảm một nửa, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc.

Xã Mường Mô có 10 bản, với hơn 680 hộ, gần 3.000 nhân khẩu (7 dân tộc cùng sinh sống), người dân chủ yếu làm nông nghiệp; là một trong 9 xã đặc biệt khó khăn của huyện từ những ngày đầu thành lập. Tập trung phát triển kinh tế, chính quyền và người dân nơi đây tận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nội lực, lợi thế có sẵn dần xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, mang lại thu nhập. Xã phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai các dự án hỗ trợ nông dân trồng cây ăn quả với tổng diện tích 76,4ha trồng các giống cây ăn quả lâu năm như: xoài, nhãn, vải, dừa; dự án trồng cỏ VA06 làm thức ăn cho đàn gia súc với diện tích hơn 12ha; hỗ trợ 42 hộ nghèo mua bò sinh sản với tổng số tiền 500 triệu đồng. Đưa tổng đàn đại gia súc toàn xã lên hơn 1.085 con (trong đó đàn trâu 807 con, đàn bò 278 con), tốc độ tăng đàn tự nhiên đạt 6,3%/năm. Tận dụng lợi thế gần lòng hồ Thủy điện Lai Châu, xã tập trung khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn xã có hơn 300 thuyền gắn máy, 3 bến nước, sản lượng đánh bắt thủy sản đạt 1,5 tấn/tháng; 72 lồng nuôi cá, trong đó có 21 lồng được Nhà nước hỗ trợ, còn lại do Nhân dân tự làm. Hầu hết, các lồng cá đã cho thu hoạch, bắt đầu mang lại thu nhập cho bà con.

Người dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Lai Châu.

Người dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Lai Châu.

Ông Mào Văn Tuyển - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết: “Nhờ quan tâm, sát sao của Nhà nước và chính quyền các cấp địa phương, cùng sự năng động của người dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp kinh tế xã phát triển, đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 13,09%, xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, đời sống người dân đổi thay rõ rệt. Thời gian tới, xã tiếp tục đồng hành hỗ trợ hiệu quả người dân trong chăm sóc phát triển các diện tích cây ăn quả, thực hiện tốt công tác thú y, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc và cá lồng”.
Hàng năm, huyện Nậm Nhùn tập trung chỉ đạo, điều hành các chương trình thúc đẩy kinh tế gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các xã, thị trấn; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cấp, các ngành triển khai các chương trình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương. Từ năm 2016 đến nay, tập trung hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng; khai hoang, cải tạo ruộng bậc thang; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo như: hỗ trợ cây giống (sa nhân tím, dong riềng, một số loại cây ăn quả), con giống (trâu, bò và các loại gia cầm), máy móc thiết bị cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Với tổng nguồn vốn đầu tư 71.894 triệu đồng, trong đó năm 2020 giao 11.430 triệu đồng. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh, từng bước phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, hàng năm huyện tổ chức dạy nghề trình độ sơ cấp và ngắn hạn cho 400 lao động nông thôn. Tập trung vào các nghề như: chăn nuôi, trồng cây lương thực, cây ăn quả, trồng cây rau màu, cây công nghiệp, sửa chữa cơ khí... Học viên được thực hành qua các mô hình trình diễn, giúp nắm chắc kiến thức, áp dụng vào cuộc sống. Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 45,7%, tăng 11,3% so với năm 2016. Dịch vụ y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân.
Tập trung hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phù hợp với điều kiện từng vùng giúp kinh tế huyện Nậm Nhùn đổi thay rõ rệt. Đến nay, đã có 4/9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn (gồm các xã: Pú Đao, Nậm Manh, Mường Mô, Lê Lợi). Mỗi năm, toàn huyện có gần 300 hộ thoát nghèo (hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 23,42%), thu nhập bình quân đầu người tăng lên 25,2 triệu đồng/năm (tăng 16,7 triệu đồng so với năm đầu tách huyện).
Đồng chí Hà Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Trong những năm qua, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện. Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo được kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện hiệu quả, đi vào đời sống, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ gia đình. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả nền kinh tế, triển khai kịp thời, đầy đủ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tới người dân; định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, gắn với phát triển kinh tế rừng, tập trung sản xuất cây lâm nghiệp, dược liệu, lương thực, thực phẩm. Phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%”.

Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...