Thứ năm, 28/11/2024, 15:32 [GMT+7]

Đến Mường Tè xem người dân lên núi “hái tiền”

Thứ ba, 21/09/2010 - 02:41'
(BLC) - Trung bình mỗi năm, huyện Mường Tè thu hoạch khoảng 725 tấn thảo quả khô. Với giá như hiện nay (80 nghìn đồng/1kg thảo quả khô) thì mỗi năm, bà con nông dân ở đây thu về trên 5,8 tỷ đồng.
Nghị quyết của lòng dân
Mùa thảo quả ở xã Hua Bum (huyện Mường Tè). Ảnh: Phan Lâm
Nằm ở đầu nguồn sông Đà, huyện Mường Tè có diện tích tự nhiên và tỷ lệ che phủ của rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu. Đây là điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc trong huyện phát triển kinh tế rừng. Thế nhưng những năm trước đây, số hộ khai thác được tiềm năng lợi thế này lại không nhiều.
Để giúp người dân phát triển kinh tế rừng, đầu năm 2007, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về phát triển trồng cây thảo quả gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới giai đoạn 2007 – 2010.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND huyện Mường Tè đã chỉ đạo các cấp chính quyền áp dụng nhiều biện pháp quy hoạch vùng thảo quả, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, gieo ươm cây giống, chăm sóc, bảo vệ và kỹ thuật thu hoạch cho nhân dân 6 xã biên giới: Thu Lũm, Mù Cả, Ka Lăng, Pa Vệ Sủ, Hua Bum, Pa Ủ.
Nghị quyết trên đã được đông đảo đồng bào các dân tộc ở các xã biên giới đồng tình hưởng ứng. Ông Đao Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Với đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây thảo quả, thì những cánh rừng già ở Mường Tè hoàn toàn phù hợp. Phần lớn diện tích rừng trên địa bàn huyện là rừng phòng hộ đầu nguồn có tán rộng, độ che phủ lớn. Khi phát triển được diện tích thảo quả sẽ gắn được trách nhiệm của người dân trong khoanh nuôi bảo vệ rừng đầu nguồn. Nhờ các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức và đưa ra bằng chứng xác thực từ số diện tích nhỏ cây thảo quả của một số hộ dân trồng tự phát từ nhiều năm trước đã cho hiệu quả kinh tế cao, nên dần dần bà con đã hiểu và làm theo”.
 Giữ rừng để trồng thảo quả
Huyện Mường Tè có 169.977,68ha rừng, trong đó có hơn 75.861ha rừng phòng hộ. Hiện nay, cây thảo quả không chỉ trồng ở các xã biên giới, mà còn được trồng ở các xã có diện tích rừng già nằm ở độ cao 800m như Tà Tổng, Mường Mô, Can Hồ…
Xã Tà Tổng vốn được biết đến là vùng đất khó của huyện Mường Tè, với 90% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, có tập quán canh tác lạc hậu. Giao thông đi lại khó khăn nên diện tích rừng già ở đây hầu như vẫn còn được giữ nguyên. Vì vậy, nhiều năm trước, nơi đây cũng là địa bàn “nóng” của huyện về việc tái trồng cây thuốc phiện. Ba năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc nơi đây đã thay đổi nhận thức.
Ông Giàng Ché Nhè – Chủ tịch UBND xã Tà Tổng cho biết: “Mưa lâu thấm đất, tuyên truyền, vận động mãi rồi bà con cũng hiểu. Để bà con làm theo, trước hết cán bộ, đảng viên trong xã phải làm trước. Từ việc trồng thí điểm hơn 2ha cây thảo quả năm 2007 của cán bộ, đảng viên, đến nay bà con trên địa bàn xã đã trồng được 12,2ha, một số diện tích trồng sớm đã bắt đầu cho thu hoạch…”.

Lên núi “hái tiền”

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển trồng cây thảo quả gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới giai đoạn 2007 – 2010, nông dân trên địa bàn huyện Mường Tè đã trồng được 1.469,66ha, trong đó có 870,32ha thảo quả đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 5 – 7 tạ thảo quả khô/1ha. Mục tiêu của Nghị quyết mới chỉ đạt 74,83%, tuy nhiên giá trị kinh tế của cây thảo quả mang lại là rất lớn. Với số diện tích trên, trung bình mỗi năm người dân trồng thảo quả trên địa bàn huyện Mường Tè thu về khoảng 725 tấn khảo quả khô. Như vậy, với giá như hiện nay (80 nghìn đồng/1kg thảo quả khô) thì mỗi năm bà con nông dân Mường Tè thu về trên 5,8 tỷ đồng.
Là địa phương có diện tích cây thảo quả lớn nhất huyện với 768ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 481,73ha, Thu Lũm đã và đang khẳng định được thế mạnh phát triển kinh tế rừng. Nhiều hộ gia đình trong xã đã giàu lên nhờ thảo quả. Diện tích cây thảo quả của xã chủ yếu tập trung ở một số bản: U Ma Tu Khoòng, Thu Lũm… vì vậy đây cũng là 2 bản có hộ khá, giàu nhiều nhất xã.
Với ưu thế diện tích rừng lớn, cùng với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc huyện Mường Tè đang tạo lên một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nhờ thảo quả, người dân không những thực hiện tốt việc khoanh nuôi bảo vệ rừng mà còn cho thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...