Thứ năm, 28/11/2024, 15:39 [GMT+7]

Đổi thay Tả Ngảo

Thứ sáu, 28/06/2024 - 15:53'
Tả Ngảo là xã vùng cao của huyện Sìn Hồ còn khó khăn về điều kiện địa hình, trình độ dân trí, hệ lụy của hủ tục. Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền xã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần đổi thay bộ mặt nông thôn.

Xã Tả Ngảo có 13 bản, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông, Dao, trong đó dân tộc Mông chiếm đại đa số. Cuộc sống của bà con chỉ dựa vào ruộng, nương và chăn nuôi nhỏ lẻ cộng thêm lối sống giữ nhiều hủ tục trong sinh hoạt; tâm lý “trời sinh voi, trời sinh cỏ” rồi tảo hôn, hôn nhân cận huyết; không chủ động học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khiến cái đói, cái nghèo bủa vây.
Anh Sùng A Binh - Chủ tịch UBND xã cho biết: Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, định hướng phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nhân dân. Ngay cả người thân của tôi, dù chưa đủ tuổi theo quy định đã lập gia đình; gia đình cấm cản thì dọa ăn lá ngón tự tử. Rồi đất sản xuất thì có nhưng một bộ phận người dân không chăm chỉ làm ăn; có cả việc thóc, ngô giống Nhà nước cấp lại mang nấu rượu, khi thiếu ăn đến đề nghị xã hỗ trợ; vật nuôi cũng chỉ quy mô nhỏ, lẻ phục vụ nhu cầu gia đình.
Đây chính là rào cản trong thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch trên các lĩnh vực của xã, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, giải pháp đầu tiên được xã chú trọng thực hiện là tập trung công tác tuyên truyền, vận động. Lãnh đạo Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, công chức xã thường xuyên về cơ sở nắm bắt tình hình, Song song với tuyên truyền, phổ biến pháp luật là “cầm tay chỉ việc” trong chăn nuôi, trồng trọt để nhân dân hiểu, tự tin áp dụng vào thực tế. Cùng với đó, lồng ghép truyền thông biện pháp chăm sóc sức khỏe; đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi… tại cuộc họp bản, sinh hoạt đoàn thể.

Người dân bản Hải Hồ (xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ) nâng cao thu nhập từ chăn nuôi gia súc.

Xã cũng tận dụng nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; cấp cây, con giống, vật tư nông nghiệp, nông cụ sản xuất nhằm tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn. Cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện mô hình kinh tế để quần chúng học tập, noi theo.
Đồng bộ giải pháp, xã phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác lãnh, chỉ đạo, sự tiên phong của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong xã Tả Ngảo. Nổi bật là việc cưới, việc tang không còn tổ chức ăn uống dài ngày, mà thực hiện tiết kiệm; văn hóa truyền thống được giữ gìn, duy trì, phát triển. Việc tự chữa bệnh, sinh con tại nhà cũng giảm dần. Trong phát triển kinh tế, đồng bào đã biết thâm canh, xen canh cây trồng; làm chuồng nuôi nhốt và chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Thế hệ trẻ của xã đã mạnh dạn, dám nghĩ dám làm xây dựng mô hình kinh tế mới; tham gia làm công nhân cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; sử dụng mạng xã hội để quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương.
Anh Mùa Xì Páo ở bản Hải Hồ chia sẻ: Thông qua công tác tuyên truyền, định hướng của cán bộ xã, bản và tham gia tập huấn, học nghề… tôi đã đúc rút kinh nghiệm, phát triển kinh tế ngay tại quê hương. Với số vốn tích luỹ, tôi mua 4 con trâu, bò về nuôi; thực hiện chăm sóc, phòng bệnh cẩn thận. Nhờ đó, đàn gia súc sớm sinh sản và cho bán những lứa đầu tiên. Số tiền đó tôi đầu tư nuôi dê. Đến nay, gia đình tôi có 12 con trâu, bò, 35 con dê, thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm cho đoàn viên, thanh niên trong bản, trong xã để cùng nhau làm giàu.
Đất sản xuất được, các hộ dân khai hoang mở rộng; khi xuống giống thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Với diện tích 1.603,7ha, cùng với sự hỗ trợ của máy móc, năng suất mỗi vụ ngô, lúa của xã đều đạt từ 33 tạ đến 48 tạ/ha. Nhân dân còn trồng 745ha sắn, 10ha đương quy, 89ha thảo quả, 41ha chè, 3.580 chậu địa lan. Riêng đương quy phát triển tốt, năng suất đạt 5 tấn/ha mang lại doanh thu 75 triệu đồng/ha. Bà con còn tích cực bảo vệ, phát triển rừng để hưởng lợi gần 1,8 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2023. Bên cạnh đó, chăn nuôi phát triển với tổng đàn 3.995 con gia súc, trên 8.000 con gia cầm, tốc độ tăng đàn gia súc đạt 6,2%/năm.
Ở các bản còn duy trì câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Các hội, đoàn thể xã thường xuyên rà soát, lập danh sách hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn để có giải pháp giúp đỡ, mỗi năm giảm từ 2 - 3 hộ nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28,5 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Xã đang phấn đấu đạt mục tiêu hết năm 2024, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm.
“Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2026, đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, xã Tả Ngảo tiếp tục tập trung nguồn lực khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi…” - anh Sùng A Binh, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...