Thứ năm, 28/11/2024, 16:38 [GMT+7]

Cây chanh leo trên đất Nậm Dòn

Thứ hai, 25/01/2021 - 08:48'
Với mục đích tìm ra giống cây trồng phù hợp, cho hiệu quả kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn phối hợp với UBND xã Nậm Hàng thực hiện mô hình trồng cây chanh leo tại bản Nậm Dòn. Vụ đầu tiên cây cho quả với chất lượng đảm bảo, được thị trường trong huyện đón nhận, mang lại hiệu quả và niềm vui ban đầu cho người nông dân.

Người dân bản Nậm Dòn (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) chăm sóc cây chanh leo.

Nằm không xa trung tâm xã, khu vực trồng chanh leo của bà con bản Nậm Dòn thu hút bất kỳ ai có dịp đi qua. Với diện tích trồng tập trung, cây đã leo phủ kín giàn. Chúng tôi gặp ông Trương Sỹ Lâm khi ông đang chăm sóc vườn chanh leo của gia đình. Ông Lâm cho biết: “Diện tích đất này trước đây gia đình tôi để trồng cỏ và cây sắn cho gia súc, giá trị kinh tế rất thấp. Sau khi nghe phổ biến về dự án trồng cây chanh leo tại bản, gia đình tôi đăng ký tham gia, với mong muốn giống cây mới sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn. Do là giống cây mới nên ngoài chú tâm học hỏi kiến thức do cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tôi còn chủ động tìm hiểu qua mạng internet về kỹ thuật phát triển cây chanh leo sao cho hiệu quả nhất. Dù năm đầu trồng gặp khó khăn, nhất là về sâu bệnh, nhưng với sản lượng đảm bảo và chất lượng quả được đánh giá cao, tôi kỳ vọng vào hiệu quả từ cây chanh leo trong những năm tiếp theo”.

Tìm hiểu được biết, dự án trồng cây chanh leo được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn làm chủ đầu tư, phối hợp UBND xã Nậm Hàng bắt đầu triển khai từ tháng 1/2020. Với tổng diện tích 1ha, mức đầu tư 100 triệu đồng; dự án có sự tham gia của 15 hộ dân bản Nậm Dòn. Đầu tư theo hình thức chủ đầu tư cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Bà con tham gia góp đất, công lao động và một phần cột làm giàn.

Đồng chí Nguyễn Viết Tuân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn cho biết: “Đảm bảo dự án triển khai đạt kết quả tốt nhất, trước khi đưa cây vào trồng, đơn vị lấy mẫu đất tại khu vực người dân đăng ký để đánh giá chất đất. Kết quả cho thấy, chất đất, độ pH phù hợp với cây chanh leo. Cùng với đó, cử cán bộ chuyên môn đi tập huấn, học hỏi thực tế mô hình trồng chanh leo tại huyện Tam Đường, về bản tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia dự án. Việc trồng cây được thực hiện đúng kỹ thuật, có cán bộ chuyên môn “cầm tay chỉ việc”. Trong quá trình chăm sóc, phối hợp tích cực với xã thường xuyên thăm nom, hướng dẫn bà con làm cỏ, bón phân, dựng giàn cho cây leo; phát hiện sâu bệnh, hướng dẫn người dân xử lý kịp thời”. Toàn bộ diện tích trồng cây chanh leo tại bản Nậm Dòn được quy hoạch tập trung tại khu đất đầu bản, đây là khu đất được bà con trồng tự do một số cây để phục vụ chăn nuôi. Phối hợp thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, các hộ dọn sạch cỏ dại, làm đất bằng phẳng để tiện chăm sóc, tiến hành đánh rãnh thoát nước chống xói mòn, rửa trôi; hố trồng cây đào đúng kích thước 60x60x60cm, trộn đều đất mặt với 20kg phân chuồng hoai mục cùng 0,3 - 0,5kg supe lân, vôi bột (hỗn hợp sau khi trộn đều lấp đầy vào hố, ủ 1 tháng trước khi trồng). Mật độ trồng cây cách cây 3m, trung bình trồng 1.000 cây/ha, dàn cho cây leo cao từ 2,5 - 3m, đan ô vuông bằng dây sắt.

Nhờ làm tốt các khâu chuẩn bị và triển khai đúng kỹ thuật, cây chanh leo trên đất Nậm Dòn có tỷ lệ sống cao. Sau hơn 6 tháng trồng, cây đã cho vụ quả đầu tiên, với sản lượng hơn 20 tạ quả. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chất lượng quả chanh leo tại đây thơm ngon hơn so với nhiều nơi khác. Do sản lượng quả năm đầu ra bói chưa cao nên sản phẩm thu hoạch được tiêu thụ ngay trong huyện và có sức tiêu thụ nhanh, với giá bán từ 10 - 20 nghìn đồng/kg quả tươi tùy loại. Chanh leo của bà con bản Nậm Dòn luôn “cháy hàng” ở các sạp hàng hoa quả trong huyện. Bắt đầu từ năm thứ 2 cây sẽ cho quả nhiều và ổn định hơn, thời vụ cây ra hoa đậu quả từ tháng 4 - tháng 11 hàng năm, sau 3 - 4 năm thu hoạch mới phải trồng lại. Ước tính mỗi gốc cho thu từ 50 - 70kg quả/năm.

Do là giống cây mới nên ngay vụ đầu tiên cây chanh leo bị một số loại bệnh thường thấy, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh dầu loang, bùng phát vào thời gian mưa nhiều. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất quả và sức sống của cây. Ngay sau khi phát hiện bệnh, cán bộ chuyên môn huyện, xã đến tận nơi cấp thuốc, hướng dẫn bà con xử lý. Tuy nhiên, một số hộ chưa thực sự quan tâm đến việc chăm sóc, còn thờ ơ để mặc cây bị bệnh và việc xử lý cho cán bộ. Đến nay, bệnh trên cây chanh leo đã hết, cây tiếp tục phát triển tốt.

Đồng chí Nguyễn Viết Tuân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Nhùn cho biết thêm: Kết thúc năm đầu, dự án sẽ được trung tâm chuyển lại hoàn toàn cho các hộ dân tự chăm sóc và tiếp tục hưởng lợi. So với các cây trồng bà con trồng tự do trước đây, thì cây chanh leo cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều nên ý thức bà con trong việc quan tâm, phát triển tốt dự án là rất quan trọng. Với 1ha ban đầu, là cơ sở để huyện, chính quyền địa phương đánh giá, có phương án hỗ trợ mở rộng diện tích, mang lại thêm nhiều hơn giá trị về kinh tế cho người dân.

Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...