Thứ năm, 28/11/2024, 17:52 [GMT+7]

Hành trình EVNNPC trở thành đơn vị phân phối điện đầu ngành

Chủ nhật, 06/10/2024 - 20:31'
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) trải qua 55 năm hình thành và phát triển với nhiều dấu mốc đi cùng sự phát triển của đất nước.

Tiền thân Tổng công ty Điện lực miền Bắc là Công ty Điện lực ra đời năm 1969, thời điểm miền Bắc vừa trải qua chiến tranh phá hoại của Mỹ lần thứ nhất. Khi đó, tổng công suất điện toàn miền Bắc chỉ còn 68 MW, nhiều thiết bị điện bị hư hỏng nặng.

Sau 55 năm chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và phát triển, ngành điện lực có những bước tiến vượt bậc. Qua một số lần cơ cấu, nhiều đơn vị được tách ra từ Công ty Điện lực để thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt của ngành và từng khu vực. Trong đó, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) hiện là doanh nghiệp phân phối điện hàng đầu quốc gia, đủ sức gánh vác vai trò đòn bẩy cho phát triển kinh tế 27 tỉnh thành phía Bắc.

1

Bác Hồ đến thăm nhà máy đèn Bờ Hồ ngày 21/12/1954. Ảnh: EVNNPC

Hoàn thành sứ mệnh xây dựng nền móng

Công ty Điện lực ra đời vào cuối giai đoạn triển khai Kế hoạch Phát triển Điện lực 10 năm (1961-1970). Ngành Điện lực đang trên đà phát triển mạnh mẽ thì phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ lần thứ 2 (1972 - 1973). Trong khi đó, các công trình điện là trọng tâm hủy diệt của đế quốc Mỹ.

Từ năm 1968 đến 1972, khi Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, công ty tổ chức sửa chữa phục hồi và xây dựng bổ sung nguồn điện khẩn trương. Đến cuối năm 1972, tổng công suất đặt ở miền Bắc đạt 276 MW, tăng so với năm 1965, trong đó đáng kể là Thủy điện Thác Bà.

Ngày 4/4/1972, Mỹ bắt đầu ném bom trở lại các tỉnh khu IV, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống điện miền Bắc. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy ba ngày bị đánh phá, Hà Nội được cấp điện trở lại. Đây là một kỳ tích của Công ty Điện lực.

2

Cán bộ nhân viên ngành điện khắc phục hậu quả chiến tranh. Ảnh: EVNNPC

Đến năm 1976, đơn vị đổi tên thành Công ty Điện lực miền Bắc và trực thuộc Bộ Điện và Than. Công ty xây dựng và hoàn thành đưa vào vận hành đường dây 110 kV An Lạc - Thái Bình. Cuối năm 1980, miền Bắc có 8.438 km đường dây hạ áp và trung áp.

Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985), Công ty Điện lực 1 (thành lập lại lấy tên Công ty Điện lực 1 trực thuộc Bộ Năng lượng) được giao quản lý những công trình trọng điểm quốc gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: đưa các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vào vận hành đúng tiến độ; xúc tiến xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; nâng cao chất lượng thiết bị của các Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Thái Nguyên; khai thác hiệu quả Nhà máy Thủy điện Thác Bà; lưới điện 110 kV và 220 kV được tăng cường đưa vào vận hành.

Trong giai đoạn 1981-1990, Công ty Điện lực 1 cung cấp điện từ lưới điện quốc gia cho các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Thái, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn và Lạng Sơn. Đến cuối năm 1990, lưới điện phân phối phủ tới trên 65% số huyện và 50% số xã ở miền Bắc.

Năm 1995 đánh dấu sự ra đời của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Công ty Điện lực 1 chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Chức năng quản lý Nhà nước về điện được chuyển giao về Bộ Công nghiệp và các Sở Công nghiệp địa phương.

Thực hiện các mục tiêu lớn

Từ năm 2000 đến 2009, Công ty Điện lực 1 thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và các phong trào thi đua để hoàn thành nhiệm vụ với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10-13%.

Năm 2010 đánh dấu sự ra đời của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận trở lại các Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Hải Dương và Ninh Bình. EVNNPC thực hiện các chương trình lớn như tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp khu vực nông thôn để bán điện trực tiếp cho hộ dân.

2

Công nhân điện vượt suối tại Hà Giang. Ảnh: EVNNPC

Năm 2013 là cột mốc quan trọng với EVNNPC, khi hoàn thành dự án đường dây cáp ngầm xuyên biển đưa điện ra huyện đảo Cô Tô. Đến hết năm 2015, EVNNPC cấp điện cho ba huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).

Thành tựu nổi bật nhất của đơn vị là việc cấp điện cho hộ dân khu vực miền núi, vùng dân tộc và hải đảo. Đến nay, toàn bộ huyện, xã ở miền Bắc đã có điện với tỷ lệ hộ nông thôn có điện đạt hơn 99%. Việc này đóng góp tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh chính trị của Đảng và Nhà nước.

Tiếp cận nguồn vốn quốc tế và hợp tác đào tạo

Năm 1995 đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam khi gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Việt Nam chính thức được tiếp cận các nguồn vốn ODA. Từ năm 1999, EVNNPC cũng bắt đầu tiếp cận nguồn vốn này từ WB, ADB, JICA và KfW.

Hợp tác với WB, ADB, JICA và KfW giúp công ty hoàn thành chương trình điện khí hóa nông thôn thông qua các dự án cấp điện nông thôn.

Các nguồn vốn ODA tăng cường khả năng cung cấp điện cho EVNNPC. Hiện nay, EVNNPC hợp tác với hai công ty con của Tập đoàn Lưới điện phương Nam Trung Quốc là CSG-LMI và YNPG trong việc thành lập nhà máy thủy điện Séo Chong Hô từ năm 2005 đến nay. Ngoài ra, EVNNPC còn hợp tác mua bán điện qua các đường dây liên kết.

4

Công ty Điện lực Lào Cai sửa chữa, khắc phục lưới điện sau lũ. Ảnh: EVNNPC

Quy mô đi đôi với chất lượng dịch vụ

Lưới điện phân phối trên địa bàn phía Bắc liên tục được phát triển đồng bộ để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp. Trong tiến trình công nghiệp hóa, các ngành sản xuất như xi măng, thép đã phát triển nhanh chóng.

Từ năm 2019 đến 2024, EVNNPC thực hiện đầu tư xây dựng với tổng giá trị vốn là 105.600 tỷ đồng. Đơn vị giữ vững tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tổng công ty phân phối. Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt gần tuyệt đối. Chất lượng cung cấp điện không ngừng được nâng cao.

Đến nay, EVNNPC phục vụ hơn 11 triệu khách hàng với chất lượng cơ sở hạ tầng luôn được đánh giá cao. Hoạt động số hóa công tác cung cấp dịch vụ tiếp tục được triển khai theo hướng trực tuyến đa kênh.

Theo https://vnexpress.net/

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...