Huyện Phong Thổ dồn sức cho mùa trồng cây cao su
Đẩy nhanh tiến độ
Công nhân Đội cao su Phong Thổ (Công ty Cổ phần cao su Lai Châu I) trồng mới cây cao su trên địa bàn bản Co Muông, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ. |
Trở lại xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi được “mục sở thị” trên các quả đồi hàng trăm người, tốp này khẩn trương làm đường đồng mức, san băng, đào hố, bỏ phân; nhóm kia hối hả trồng cây cao su. Tất cả đang vào cuộc với khí thế hừng hực vì những mầm xanh cao su mới.
Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi cây cao su được trồng cách đây 1 tháng, ông Lò Văn Chiến – Bí thư Đảng ủy xã Nậm Xe phấn khởi: “Những cây cao su tum trần được bà con và công nhân Công ty Cổ phần cao su Lai Châu I trồng đã bắt đầu nảy mầm vươn lên. Ai cũng vui mừng khi loại cây công nghiệp dài ngày này phát triển xanh tốt trên vùng đất khó mà từ bao đời nay đồng bào các dân tộc địa phương quanh năm chỉ biết đến sản xuất nông nghiệp. Đây là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững”. Cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con giao đất cho Công ty cao su, cấp ủy, chính quyền xã còn tích cực động viên, khuyến khích nhân dân tham gia trồng cây cao su đảm bảo khung thời vụ. Đến nay, toàn xã đã trồng mới được 100ha, san băng đào hố 250ha, phấn đấu trong tháng 9 trồng xong 200ha.
Cùng với các địa phương khác trong huyện, phong trào thi đua trồng cây cao su cũng được xã Mường So triển khai ngay từ đầu năm. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã cùng vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các các dân tộc địa phương về chủ trương trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn, các chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su…
Cách đây vài tháng, khi đến Mường So, trên những quả đồi chỉ toàn cỏ hoang, lau lách, rừng sản xuất kém hiệu quả thì nay thay vào đó là màu đất đỏ với những đường đồng mức uốn lượn quanh sườn đồi. Chỉ tay về phía đồi đất trọc, anh Lưu Văn Phương – Đội trưởng Đội cao su Phong Thổ (Công ty Cổ phần cao su Lai Châu I) cho biết: “Diện tích đất trồng cây cao su trên địa bàn xã khá lớn. Đơn vị đang đề nghị với huyện vận động nhân dân góp đất, tham gia trồng cây cao su. Để hoàn thành kế hoạch trồng mới 700ha, chúng tôi đang tranh thủ thời tiết đưa cây xuống trồng, đồng thời vận động đồng bào cùng tham gia trồng đảm bảo mùa vụ”.
Sau khi đo đạc, quy chủ góp đất, Công ty cao su đã bắt tay triển khai trồng lứa cây cao su đầu tiên vào tháng 6/2010. Huyện cũng chỉ đạo các xã huy động bà con tham gia làm đường đồng mức, đào hố, bón phân tạo điều kiện thuận lợi để Công ty cao su hoàn thành kế hoạch. Hiện nay, toàn huyện đã trồng được trên 380ha, trong đó xã Hoang Thèn 70ha, Khổng Lào 75ha, Nậm Xe 100ha, Mường So 115ha. Huyện phấn đấu hết tháng 9 sẽ trồng xong 700ha. Theo ông Bùi Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, việc đảm bảo tiến độ trồng cây cao su phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời tiết, khí hậu, lực lượng lao động… Nếu thuận lợi thì trong tháng 9 sẽ hoàn thành kế hoạch.
Người dân đồng tình
Cách đây hơn 4 năm, huyện đã có chủ trương trồng cây cao su tiểu điền tại các xã vùng thấp, như Hoang Thèn, Khổng Lào, thị trấn Phong Thổ… Được hỗ trợ giống, phân bón, cây giống, bà con các dân tộc địa phương đã trồng được 700ha cây cao su. Nhưng do nhận thức về loại cây này còn hạn chế, việc chăm sóc chưa được chú trọng và do ảnh hưởng đợt rét kéo dài năm 2007 nên diện tích cây cao su tiểu điền còn sống chỉ còn 300ha.
Để hoàn thành kế hoạch trồng mới 700ha do UBND tỉnh giao, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo trồng cây cao su, triển khai tới các xã, thị trấn, phổ biến kế hoạch trồng, phát triển cây cao su tới đồng bào các dân tộc địa phương. Công tác tuyên truyền được các địa phương trong huyện đẩy mạnh thông qua các buổi họp dân, hệ thống truyền thanh cơ sở, các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Qua đó, nhân dân các dân tộc địa phương đã hiểu rõ chủ trương trồng và phát triển cây cao su. Được nghe cán bộ giải thích quyền lợi khi góp đất, sự hưởng lợi sau này của loại cây mang dòng mủ trắng, ai cũng tin tưởng, phấn khởi. Sự đồng tình của đồng bào địa phương là cơ sở để huyện thực hiện thành công bước đầu trồng cây cao su. Theo chính sách của Công ty Cổ phần cao su Lai Châu I đưa ra, mỗi gia đình khi góp đất cho Công ty sẽ được Công ty tuyển ít nhất một lao động có đủ sức khỏe vào làm. Hiện nay, lực lượng lao động địa phương được Công ty nhận vào làm trên 100 người, bình quân mỗi công nhân làm khoán được hưởng mức lương từ 2 – 2,5 triệu đồng/tháng. Mức lương này đã giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập, thoát khỏi đói nghèo. Anh Phìn Văn Xẹt, bản Co Muông, xã Khổng Lào tâm sự: “Được nhận vào làm công nhân cho Công ty, tận tay trồng bầu cao su xuống mảnh đất của gia đình, tôi rất phấn khởi, tin tưởng vào loại cây này. Mong rằng cây cao su sẽ phát triển tốt, Công ty làm ăn phát đạt, giúp người dân đổi đời”.
Theo hướng phát triển trồng cây cao su trong những năm tiếp theo, huyện đã quy hoạch vùng trọng điểm là các xã vùng thấp trồng cây cao su với diện tích dự kiến trên 4.000ha. Năm 2011, huyện có kế hoạch trồng 500ha cây cao su, ngay từ bây giờ cùng với công tác đẩy mạnh trồng lứa cây cao su năm 2010, huyện tích cực chỉ đạo các xã nằm trong diện quy hoạch chuẩn bị quy chủ bàn giao quỹ đất cho Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu I đảm bảo tiến độ đề ra.
Phương Ly
Bình luận