Kinh tế | KỶ NIỆM 115 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, 75 THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH, 20 NĂM CHIA TÁCH, THÀNH LẬP TỈNH LAI CHÂU | Huyện Tam Đường
Khai thác lợi thế, phát triển đa ngành nghề
Trở lại bản Sàn Phàng Cao vào một ngày giữa tháng 6, mặc dù thời tiết xen kẽ nắng - mưa nhưng bà con rất bận rộn với công việc đồng áng. Người cấy lúa, người làm cỏ chè, dong riềng… dù vất vả nhưng ai nấy đều vui vẻ.
Gia đình ông Cứ A Lồng ở bản Sàn Phàng Cao là một trong những hộ có kinh tế khá từ mô hình tổng hợp. Mặc dù ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi để tạo nguồn thu cho gia đình. Ông Lồng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ canh tác lúa, ngô nhưng năng suất thấp, đời sống khó khăn, thiếu thốn. Cán bộ xã thường xuyên xuống bản tuyên truyền, vận động chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, gia đình tôi đã đầu tư trồng chè, chanh leo. Giờ đây, với hơn 1ha chè, mỗi lứa cũng cho thu từ 600 - 700kg chè búp tươi. Gia đình ông Lồng còn nuôi hơn 10 thùng ong, nuôi thỏ, đào ao thả cá. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng mỗi năm, cuộc sống ngày một khá giả.
Cùng với các địa phương trên địa bàn huyện Tam Đường, người dân xã Khun Há đã và đang có nguồn thu nhập ổn định từ trồng chè. Theo các hộ dân ở đây, cây chè dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, cho thu hoạch đều, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã trồng hơn 280ha chè, tập trung tại các bản: Thèn Thầu, Sàn Phàng Cao… Năm 2024, thực hiện kế hoạch trồng mới 27ha chè, nhân dân đã hoàn thành ban tầng (diện tích 50ha, đạt 185% kế hoạch giao) và sẽ thực hiện trồng chè trong tháng 7-8 tới.
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh, huyện Tam Đường và xã Khun Há tham quan mô hình phát triển kinh tế của hội viên cựu chiến binh bản Sàn Phàng Cao.
Trên đất Khun Há, cây chanh leo đang khẳng định là hướng chuyển đổi cơ cấu đúng đắn của xã. Phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên chanh leo phát triển tốt, cho sản lượng cao. Hiện, xã có hơn 212ha chanh leo, đầu ra ổn định.
Cùng với các loại cây trồng, xã Khun Há tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản. Diện tích đồng cỏ lớn, nhiều bãi chăn thả rộng, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, xã tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng chuồng trại kiên cố, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với gần 1.200 con gia súc, trên 8.300 con gia cầm. Ngoài ra, duy trì diện tích mặt nước 12,7ha nuôi thuỷ sản. Để đàn vật nuôi phát triển ổn định, xã quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo, phân công công chức chuyên môn phụ trách bản phối hợp với 14 trưởng bản tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện tiêm vắc-xin định kỳ phòng bệnh cho đàn vật nuôi, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Đồng chí Vàng Páo Ly - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khun Há là xã vùng cao của huyện, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, người dân chăm chỉ, cần cù. Cấp uỷ, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung trồng một số loại cây thế mạnh như: lúa, ngô, chè, cây ăn quả ôn đới, chanh leo, thảo quả… Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, giảm thời gian và nhân công. Để nâng cao thu nhập, xã định hướng các hộ phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, nuôi thuỷ sản. Hằng năm, xã tổ chức cho công chức, hội viên nông dân tiêu biểu đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay ở các địa phương trong huyện, tỉnh để áp dụng vào thực hiện. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên; bộ mặt nông thôn khởi sắc”.
Phương Thanh
Bình luận