Nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác
Từ nhiều năm qua, xã Bình Lư được biết đến có diện tích trồng rau củ, quả lớn của huyện Tam Đường. Tuy nhiên, nhiều hộ dân trồng rau theo kinh nghiệm, quy mô gia đình. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật; nhiều mô hình sản xuất an toàn, áp dụng công nghệ cao trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao là lý do Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình được thành lập, gồm 6 thành viên.
Với tổng diện tích hơn 1,5ha, tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới rộng 7.000m2, trị giá trên 900 triệu đồng chuyên canh 10 loại rau, củ, quả như: bắp cải, cải canh, cải ngọt, cà chua, dưa chuột, su su, đậu đỗ… Hệ thống nhà lưới có mái che, màng bọc xung quanh, cây rau tránh được sự gây hại của côn trùng, sâu, bệnh; hạn chế chất hóa học trong phòng, trừ sâu, bệnh trên cây rau, giảm tính độc hại, bảo đảm an toàn thực phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình sản xuất. Tổ hợp tác còn đầu tư hệ thống tưới tự động với các quy trình từ tưới phun sương cho các loại rau ăn lá tới tưới nhỏ giọt cho các loại cây rau ăn củ. Sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, phân cây xanh băm nhỏ, ủ hoai thay thế cho phân hóa học. Từ khi tổ hợp tác đi vào hoạt động đến nay, với hơn 1.000m2 nhà lưới, đã thu hoạch hơn 1 tấn rau, củ quả/tháng, trừ chi phí thu lãi 100 triệu (tăng 30 triệu đồng trên cùng một diện tích đất so với trồng rau thủ công trước đây).
Anh Trần Đình Vượng - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình cho biết: “Trước khi thành lập, tôi đã gửi mẫu nước, đất, phân bón sản phẩm rau về cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được phân tích chất lượng. Kết quả, các mẫu đều bảo đảm sạch, tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận rau VietGAP. Mô hình được lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh và huyện Tam Đường đánh giá hình thức canh tác mới, có triển vọng trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá công nghệ cao. Hiện nay, có 6 tiểu thương đến liên kết, đặt mua toàn bộ sản phẩm rau sạch với giá ổn định, cung cấp cho thị trường thành phố Lai Châu, huyện Tân Uyên và thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình chăm sóc rau.
Theo anh Nguyễn Duy Đức - thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình, trước đây, gia đình khó khăn trong sản xuất rau, nhất là mùa mưa thường bị úng, thối thân, lá. Mùa mưa năm nay, gia đình anh gieo trồng rau cải, hành, mùi, cà chua trong nhà màng, tỷ lệ nảy mầm đạt cao, chất lượng, mẫu mã, sản phẩm đẹp, thu nhập cao.
Hơn 10 năm, chị Trần Thị Loan ở bản Tân Bình duy trì công việc đến các hộ dân trong bản, trong xã thu mua nông sản, đặc biệt là rau xanh để bán tại chợ trung tâm huyện Tân Uyên. Thời gian gần đây, chị nhập rau của Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình bởi tươi, non, chất lượng tốt. Mùa mưa, chị vẫn có đủ các loại rau để bán hằng ngày. Chị Loan tâm sự: “Mỗi ngày, tôi nhập trên 100kg rau, củ, quả của tổ hợp tác để cung cấp cho thị trường huyện Tân Uyên. Rau sản xuất đảm bảo sạch, an toàn, được khách hàng ưa chuộng”.
Anh Nguyễn Xuân Trịnh - Trưởng bản Tân Bình khẳng định: “Thời gian qua, thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy trình từ tưới nước, theo dõi, phòng ngừa sâu bệnh. Chủ động nhân rộng, phát triển đa dạng sản phẩm rau xanh, trong đó liên kết với tư thương để mở rộng thị trường tiêu thụ; tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu rau an toàn. Nhờ đó, chất lượng, sản lượng rau ngày càng được nâng lên, hiệu quả kinh tế rõ rệt”.
Mặc dù đạt hiệu quả bước đầu, tuy nhiên, tổ hợp tác mong muốn các cấp, ngành, địa phương tổ chức tập huấn nâng cao trình độ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho các thành viên. Đồng thời, triển khai cho vay vốn quỹ Hỗ trợ nông dân; kết nối, lồng ghép nguồn lực hỗ trợ, đồng hành cùng tổ hợp tác đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm diện tích nhà màng và hệ thống tưới nước tự động.
Thu Minh
Bình luận