Thứ năm, 28/11/2024, 12:44 [GMT+7]

Nâng cao thu nhập từ nuôi ong

Thứ ba, 30/04/2024 - 16:07'
(BLC) - Thời gian qua, huyện Nậm Nhùn đã tuyên truyền, triển khai mô hình nuôi ong lấy mật tại nhiều xã, thị trấn. Với giá bán ổn định từ 200-250 nghìn đồng/1 lít mật đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các hộ dân tham gia nuôi ong trên địa bàn.

Việc triển khai mô hình nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện Nậm Nhùn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Để triển khai mô hình cũng như nâng cao hiệu quả khi sử dụng nguồn vốn hỗ trợ nuôi ong, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tham mưu văn bản gửi UBND các xã, thị trấn triển khai họp dân tuyên truyền chính sách hỗ trợ đến người dân có nhu cầu nuôi ong. Khi có danh sách cụ thể, UBND xã tổng hợp, đề xuất hỗ trợ triển khai đến từng hộ gia đình.

Anh Khoàng Văn Chung - bản Nậm Dòn (xã Nậm Hàng) cho biết: Thông qua các phương tiện truyền thông và nắm bắt các hộ đã nuôi, tôi nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó đăng ký với UBND xã để được hỗ trợ, cùng với vốn vay ngân hàng gia đình tôi đã nuôi 50 thùng ong. Để đàn ong phát triển khỏe mạnh, tôi thường xuyên học tập kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ... Với số thùng ong đang nuôi mỗi năm cũng đem lại cho gia đình nguồn thu từ 50-60 triệu đồng.

Gia đình ông Liều A Dao  - bản Nậm Vạc 2 (xã Nậm Ban) hiện đã có 10 thùng nuôi được hỗ trợ theo Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND. Chỉ sau vụ nuôi đầu tiên gia đình ông đã thu được 20 triệu đồng. Từ hiệu quả ban đầu đó, thời gian tới ông dự định sẽ mở rộng quy mô nuôi, bởi theo ông việc chăm sóc đàn ong cũng không vất vả mà đem lại thu nhập cao. Điều quan trọng nhất vẫn là tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn ong như cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn sẽ đảm bảo ong sống khỏe, cho mật đều. Việc di chuyển thùng nuôi cũng không cần thiết bởi xung quanh nhà hiện đều là rừng với nhiều loài hoa đang nở rộ.

Lớp nuôi ong lấy mật tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn.

Lớp dạy kỹ thuạt nuôi ong lấy mật tại xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) thu hút đông bà con tham gia.

Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn huyện có 2.242 thùng ong, trong đó 3 hợp tác xã có 789 thùng ong; 1 nhóm hộ 150 thùng và 16 hộ gia đình 310 thùng được hỗ trợ, ngoài ra còn có hàng nghìn thùng nuôi ong được phát triển theo quy mô hộ gia đình. Kinh phí thực hiện hỗ trợ từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay là hơn 870 triệu đồng.

Nuôi ong lấy mật được xem là giải pháp mang lại kết quả tích cực, giúp giải quyết công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Với giá bán như hiện tại, mỗi thùng ong qua một vụ mật có thể đem lại nguồn thu từ 2-2,5 triệu đồng/thùng. Từ đó đã giúp nhiều hộ cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả khi hiện nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 34 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống còn 32,2%.

Theo ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Để việc phát triển nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả, nhiều lớp học nuôi ong đã được mở cho người dân các xã trên địa bàn huyện. Sau thời gian nuôi đã chứng minh hiệu quả khi thu nhập của người tham gia nuôi đã cải thiện rõ rệt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng việc nuôi ong lấy mật trên cơ sở đánh giá hiệu quả các mô hình nuôi đã triển khai và điều kiện thực tế của các xã, thị trấn trên địa bàn. Mục tiêu tiếp tục tìm hướng thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Với tiềm năng, lợi thế về khí hậu ôn hòa, điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú như diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ rộng lớn và có một số diện tích cây ăn quả tập trung lớn như xoài, nhãn, mắc-ca… cung cấp lượng phấn hoa và môi trường sống cho đàn ong phát triển. Đó chính là cơ hội phát triển nuôi ong mật trên địa bàn huyện hiện nay. Trong thời gian tới các cơ sở đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND vẫn tiếp tục duy trì quy mô và mở rộng sản xuất; huyện cũng tuyên truyền phổ biến để nhân dân, hợp tác xã đăng ký phát triển mở rộng thêm. Trọng tâm triển khai nuôi tập trung vào các xã có diện tích cây ăn quả lớn như: Lê Lợi, Nậm Manh và xã Mường Mô...

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...