Nâng cao tiêu chí thu nhập
Đồng chí Nguyễn Văn Chung - Bí thư Đảng ủy xã Thèn Sin cho biết: Xác định thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò “đòn bẩy” cho các tiêu chí còn lại, xã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, thâm canh tăng vụ, khai thác triệt để quỹ đất có khả năng đưa vào sản xuất. Chủ động lồng ghép nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án hoàn thiện hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi, hỗ trợ nông cụ, giống cây trồng, vật nuôi…; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhân dân phát triển sản xuất. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm, đang phấn đấu đạt 45 triệu đồng vào cuối năm 2024”.
Toàn xã có hơn 178ha chè, trong đó chè kiến thiết cơ bản 28ha, chè kinh doanh 135,3ha, chè cổ thụ 15ha. Nhiều năm nay, chè là cây trồng chủ lực của xã Thèn Sin, cấp uỷ, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nông hộ chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Trong năm 2024, nhân dân đã đăng ký và trồng thêm 10ha chè chất lượng cao (PH8).
Nông dân xã Thèn Sin (huyện Tam Đường) chú trọng gieo cấy giống lúa chất lượng cao để tăng thu nhập.
Đảm bảo an ninh lương thực và tạo sản phẩm hàng hóa, xã định hướng bà con chuyển đổi sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (giống lúa séng cù) thay thế giống lúa địa phương cho năng suất thấp trước đây. Ưu điểm của giống lúa này là năng suất cao (từ 60 - 65 tạ/ha), sinh trưởng, phát triển khoẻ, ít sâu bệnh, hạt to dài, chất lượng gạo tốt, thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, giá thành cao. Do vậy, vụ mùa năm nay, nhân dân mở rộng diện tích lên 41,5ha lúa séng cù. Hiện, toàn bộ diện tích sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến thu hoạch trong tháng 10 tới.
Cán bộ nông nghiệp xã bám sát cơ sở, thường xuyên hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc chè, mắc-ca, dong riềng, thảo quả, cây ăn quả… đảm bảo phòng, trừ kịp thời sâu, bệnh hại cũng như chất lượng sản phẩm nông sản sau thu hoạch.
Song song với sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi cũng được nhân dân trong xã chú trọng, nhất là nuôi gia súc (trâu, bò, ngựa, dê, lợn). Tổng đàn gia súc của xã hiện có hơn 2.200 con và hơn 9.800 con gia cầm. Các hộ chăn nuôi đã thay đổi tư duy sản xuất thông qua xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông; vệ sinh nền chuồng thường xuyên, có hệ thống xử lý chất thải khoa học; trồng cỏ voi để tiết kiệm chi phí chăn nuôi; tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ, thực hiện tốt công tác phun tiêu độc, khử trùng môi trường.
Gia đình chị Hoàng Thị Thiện ở bản Thèn Sin 1 đã xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp để có đa dạng nguồn thu nhập, tái đầu tư mở rộng sản xuất. Chị Thiện chia sẻ: “Được xã định hướng cùng tìm hiểu nhu cầu thực tế thị trường, gia đình xác định được trồng cây gì, nuôi con gì để có thu nhập cao, ổn định. Do đó, khai thác triệt để quỹ đất sẵn có, gia đình tôi gieo cấy hơn 1ha lúa chất lượng cao; trồng trên 8.000m2 ngô lai; nuôi gần 200 con vịt/năm. Ngoài ra, đầu tư dịch vụ xay xát, cửa hàng tạp hoá, trừ chi phí cho thu lãi gần 100 triệu đồng/năm”.
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền xã, sự mạnh dạn vươn lên của nhân dân, đã có nhiều cách làm mới, mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập. Và, đây là tín hiệu tích cực để xã Thèn Sin tự tin với mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người vào cuối năm 2024.
Phương Thanh
Bình luận