Nông dân Sìn Hồ xây dựng cuộc sống mới
Đến huyện Sìn Hồ, ở đâu chúng tôi cũng nghe nhiều câu chuyện về tấm gương người nông dân vượt khó. Mô hình chăn nuôi gia súc, cá lồng; trồng cây ăn quả, dược liệu; kinh doanh thương mại, dịch vụ... đã trở thành thương hiệu mang lại thu nhập cao, góp phần xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp.
Với mục tiêu làm cho cuộc sống người nông dân ấm no, hạnh phúc, Hội Nông dân huyện phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường xuống bản tìm hiểu cuộc sống thực tế của hội viên, những khó khăn, vướng mắc mà người dân gặp phải. Vận động nông dân xóa bỏ lối sống lạc hậu, không ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ, tăng cường lao động, tích cực học hỏi, tự mình làm giàu bằng năng lực bản thân. Tạo điều kiện giúp hội viên vay vốn xây dựng mô hình kinh tế, khuyến khích người dân giúp nhau làm giàu, tổ chức thăm quan, giới thiệu các mô hình tiêu biểu để nhân rộng.
Anh Hoàng Văn Hồ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Mỗi khi đến bản không chỉ nêu lên những tấm gương, cách làm hay, sáng tạo để hội viên học hỏi, làm theo mà chúng tôi còn quan sát, đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương để đưa vào trồng các loại cây phù hợp, giúp dân cải thiện thu nhập. Hỗ trợ cây trồng, con giống, đưa nông sản của người nông dân ra ngoài thị trường; tuyên dương, khen thưởng những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi để khích lệ tinh thần hội viên.
Nông dân xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Nắm bắt lợi thế, hơn 12.200 hội viên ở 22 Hội Nông dân các xã, thị trấn quyết tâm vượt khó làm giàu, tham gia học hỏi kiến thức ở các lớp dạy nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Ruộng, nương được cày cấy, mở rộng trên những vùng đất khai hoang với các giống lúa, ngô chất lượng, đưa sản lượng mỗi năm đạt 46.449 tấn. Giữa 2 mùa vụ, người dân trồng rau màu các loại, sắn, đậu tương, lạc, dong riềng... mang lại năng suất cao. Không dừng lại ở đó, hội viên nông dân trồng cây công nghiệp, ăn quả, dược liệu với diện tích gần 12.000ha, một số cây như: thảo quả, chè, sâm đương quy, dứa Queen mang lại nguồn thu, giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Chăn nuôi hình thành những vùng tập trung, có chuồng trại nuôi nhốt, thoáng mát mùa hè, ấm về mùa đông. Nguồn dinh dưỡng đảm bảo, vật nuôi được tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ nên số lượng ngày càng tăng với gần 390.000 con. Ở các xã thuận lợi vùng sông nước, người dân đào ao thả cá, nuôi cá lồng, đưa sản lượng đánh bắt và nuôi trồng mỗi năm trên 350 tấn, không chỉ cung cấp cho thị trường trong huyện mà còn xuất bán ở các địa phương khác.
Anh Vi Văn Xanh (bản Lùng Thàng, xã Lùng Thàng) chia sẻ: Được xã định hướng, tôi không còn ỷ lại vào nguồn hỗ trợ mà quyết tâm làm giàu. Với số tiền tích lũy và vay vốn, tôi đầu tư chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, trồng lúa, ngô. Đến nay, gia đình có 10 con trâu, 15 con dê, gia đình còn phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm với hàng trăm con. Đầu tư mua thêm máy xúc để làm thuê tăng thêm thu nhập, mỗi năm thu nhập 300 triệu đồng.
Với tổng dư nợ gần 170 tỷ đồng cùng 91 tổ vay vốn, tạo điều kiện cho 3.165 hộ vay lập nghiệp. Các hội cơ sở còn thành lập quỹ hội, đoàn kết, giúp nhau vượt khó. Ngoài ra, Hội Nông dân còn sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân mở các lớp dạy nghề, cung cấp cây trồng, con giống, phân bón, hỗ trợ kinh phí giúp hội viên thoát nghèo.
Với các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội Nông dân Sìn Hồ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 48,39%, thu nhập bình quân đạt 32,5 triệu đồng/người/năm, tiến tới xây dựng huyện ngày càng khởi sắc.
Thái Hà
Bình luận