|
Nhân dân xã Sơn Bình vận chuyển cây giống để trồng rừng. |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Kiên - Phó Bí thư Thường trực xã cho biết: Sơn Bình hiện có 520 hộ với 3.115 nhân khẩu, sinh sống ở 7 bản. Những năm trước, phần lớn bà con sống bằng nghề nông. Quanh năm chăn nuôi gà, lợn với quy mô nhỏ và trồng lúa nương nên đời sống rất khó khăn. Gia đình nào chịu khó lao động thì đủ ăn nhưng để làm giàu thì rất khó. Địa hình của xã chủ yếu là đồi núi cao, khí hậu mát mẻ rất thuận lợi cho phát triển nghề rừng nên xã đã vận động một số hộ gia đình chuyển đổi 1 phần diện tích đất sang khoanh nuôi bảo vệ rừng; gắn phát triển rừng với trồng thảo quả; phát triển kinh tế theo mô hình VACR (vườn – ao – chuồng - rừng). Đặc biệt là từ khi có dự án trồng rừng 661, được nhà nước hỗ trợ tiền và con giống, phong trào trồng rừng được nhiều hộ gia đình ủng hộ hơn. Trong 3 năm (2007-2009), xã trồng mới 66,1ha rừng phòng hộ, nâng tổng diện tích rừng của xã lên 8.000ha. Hiện, diện tích rừng này đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: trồng rừng theo dự án 661 hộ nghèo nhất cũng làm được. Chủ rừng chỉ cần đầu tư diện tích đất và chăm sóc, hơn 10 năm sau là có thể thu hoạch. Về lâu dài, trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học.
Trồng rừng không đòi hỏi chăm sóc thường xuyên nên cùng với việc trồng rừng vẫn có thể chuyển một phần lao động sang sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình quyết tâm chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Hoàng Xuân Quý, một hộ gia đình làm kinh tế giỏi ở bản 46. Trong quá trình phát triển kinh tế anh luôn thực hiện tốt phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, lấy nông nghiệp làm đòn bẩy giúp lâm nghiệp phát triển. Ngoài trồng ngô, lúa gia đình anh còn trồng 300 gốc đào, nuôi thêm dê, bò (gần 100 con), nhận trồng khoanh nuôi bảo vệ 52ha rừng. Trừ chi phí mỗi năm thu về 100 triệu đồng.
Anh Quý tâm sự: “Bằng kinh nghiệm thực tế, tôi nhận thấy đưa lâm nghiệp thành một ngành kinh tế chính là hướng đi đúng. Trong tương lai tôi tiếp tục trồng rừng và biến rừng thành nguồn thu chính của gia đình”.
Không chỉ riêng gia đình anh Quý mà nhiều gia đình khác trong xã cũng thành công trong việc vượt khó đi lên từ rừng như gia đình các anh: Vàng A Kỷ (bản Chu Va 8), Vàng A Chu (bản Chu Va 12).
Sự nỗ lực vượt khó của người dân cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của chính quyền địa phương đã đưa đời sống nhân dân trong xã từng bước nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 61,4% (năm 2007) xuống 34% (năm 2009), thu nhập bình quân đầu người đạt 6,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2 triệu đồng so với năm 2007).
Nói về kế hoạch trồng rừng, ông Phạm Văn Kiên - Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã hồ hởi: “Năm nay ngoài trồng rừng theo dự án 661, chúng tôi còn triển khai trồng rừng kinh tế theo chương trình của Công ty Minh Sơn. Các giống chủ yếu đưa vào trồng là: keo, tông qua sủ... Khi kết thúc dự án, đời sống nhân dân ổn định, các hộ gia đình có thể tự bỏ vốn trồng rừng và 100% lợi nhuận kinh tế sẽ thuộc về người dân”./.
Bình luận