Rau tăng giá - người trồng rau lo lắng
Để có một xe rau như thế này, người nông dân xã San Thàng đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức.
Bán buôn rẻ, bán lẻ cao
Được mệnh danh là vành đai rau xanh của thị xã Lai Châu, nên dù chính vụ hay trái vụ đến cánh đồng rau của 4 bản: Séo Sin Chải và Tả Sin Chải 1, 2, Lò Suối Tủng (xã San Thàng) đều dễ dàng nhận thấy rau ở đây chủ yếu là bắp cải, su hào, cải ngọt… trong khi súp lơ, cần tây, cải thảo, cà chua, tỏi, ớt… (luôn có giá cao trên thị trường) lại vắng bóng.
Mặc dù mai là ngày nghỉ nhưng chị Nguyễn Thị Vui (bản Séo Sin Chải) không cắt rau bán mà chỉ tỉa lá bắp cải già về cho lợn, cá ăn.
Chị Vui cho biết: “Được tuần đầu của tháng, không biết có phải vì xăng tăng giá không mà giá rau đột ngột tăng cao (bắp cải từ 8 – 10 nghìn đồng/kg), nhưng lúc ấy rau bắp cải nhà mình và nhiều gia đình khác trong bản mới đang cuộn. Khi rau của gia đình được bán thì lại rau các tỉnh khác cũng chuyển lên hàng xe ôtô. Hôm nay tôi mang 30 cây rau bắp cải ra chợ bán với 4 nghìn đồng/kg mà chật vật đến 12 giờ trưa mới bán hết”.
Rau không bán được, chặt cho lợn, cho cá ăn cũng không hết, chị Vui đành dùng lá rau già làm phân bón. Với các loại rau rền, rau muống hay mùng tơi ngoài chợ giá cao thì của bà con nơi đây mới trồng được nửa tháng. Phân bón tăng cao, suất đầu tư lớn, nhiều công chăm sóc, giá rau thấp, được lứa rau lái buôn lại ép giá, liệu những vụ tới người nông dân còn mặn mà với nghề?
Chị Vui xót xa: “Nhà nông không có thời gian ngồi chợ, nhìn họ mua buôn của mình chỉ 3 – 4 nghìn đồng/kg mà bán lẻ ra gấp đôi, gấp ba, tiếc của nhưng đành chịu. Không chỉ rau cải bắp mà mùng tơi, rau rền, rau muống hiện một số gia đình trong xã trồng sớm bán buôn cũng chỉ 2 nghìn đồng/mớ, rau ngót 3 nghìn đồng/mớ nhưng tại chợ thì toàn bán 5 – 6 nghìn đồng/mớ”.
Cạnh ruộng rau của chị Vui, ông Nguyễn Văn Vang cũng đang khệ nệ bê sọt rau từ ruộng xếp lên xe cải tiến chuẩn bị cho buổi chợ ngày mai. “Trồng rau cải bắp giá bán thấp sao ông không trồng các loại rau khác có giá hơn?” – chúng tôi hỏi.
Ông Vang phân trần: “Nhà nông thường tính trồng cây gì sao cho có nhiều lợi nhất. Các loại rau các cô nói giá tuy cao nhưng theo kinh nghiệm gần 10 năm trồng rau của tôi, nông dân không chọn được thị trường, mà ngược lại, giờ đây rau các địa phương khác nhập về nhiều, nếu trồng các loại rau đó đến vụ không bán kịp thì chỉ bỏ đi, còn rau cải bắp không chỉ năng suất, ngoài mục đích bán lấy tiền còn dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm”.
Nghe ông Vang nói, chúng tôi phần nào hiểu được chính vì tư duy “Một công nhiều lợi ích” của người trồng rau nơi đây mà đến nay, thị trường thị xã đã phải nhập 2/3 lượng rau xanh từ nơi khác.
Nhìn mặt bán hàng
Tìm hiểu nguyên nhân của việc giá rau nhập vào rẻ mà giá bán vẫn “trên trời” chúng tôi quyết định đến chợ xép phường Đoàn Kết – chợ thu hút đông người mua – bán rau củ quả nhất thị xã Lai Châu tìm câu trả lời.
Thì ra tại đây một số người kinh doanh theo kiểu nhìn mặt bán hàng. “Thấy khách hàng nào ăn mặc sang trọng, nhất là đàn ông thì phát giá cao, họ nhiều tiền ai lại trả giá mớ rau mấy nghìn” – một người bán rau tại chợ Đoàn Kết cho biết. Do đó nhiều khách hàng đã bị mua với giá cao trong khi giá thực tế chỉ bằng một nửa.
Cùng với “mánh” kinh doanh trên, một số các chủ sạp hàng rau tại chợ xép phường Đoàn Kết cho biết: Giá rau nhập vào và bán ra có tỷ lệ chênh lệch cao hơn trước là do hiện nay tiền bị trượt giá và tất cả mọi mặt hàng thiết yếu đều tăng nên để lợi nhuận đủ chi tiêu cho gia đình họ phải nâng tỷ lệ chênh lệch giá.
Ngỡ tưởng giá rau tăng người trồng rau là được hưởng lợi nhiều nhất nhưng thực tế cho thấy người tiêu dùng và người trồng rau vẫn chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Hà Linh
Bình luận