Thứ năm, 28/11/2024, 14:29 [GMT+7]

Sâm Lai Châu - báu vật từ núi rừng

Thứ hai, 22/04/2024 - 11:09'
Tá Bạ là xã vùng cao, biên giới được huyện Mường Tè quy hoạch là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển sâm Lai Châu. Trên cơ sở định hướng của huyện, cấp ủy, chính quyền xã Tá Bạ vận dụng linh hoạt các nguồn lực để phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, khuyến khích người dân, thu hút các nhà đầu tư trồng sâm Lai Châu và xác định đây là cây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chúng tôi đến bản Nhóm Pó (xã Tá Bạ) những ngày trung tuần tháng 4 để “mục sở thị” việc bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu của người dân nơi đây. Theo lời giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo xã, bản Nhóm Pó là địa bàn đi đầu trong việc bảo tồn phát triển cây sâm Lai Châu của xã. Qua câu chuyện với anh Lò Gió Hừ - Trưởng bản Nhóm Pó, chúng tôi biết rằng nơi đây đã một thời là “thủ phủ” của cây sâm Lai Châu nhưng nay loài dược liệu quý này đã rất khan hiếm và đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, nguyên nhân là do người dân khai thác tận diệt để bán sang bên kia biên giới với giá rẻ. Giờ bà con đã biết giá trị thật của sâm nên đang tìm cách để bảo tồn, trồng sâm Lai Châu.
Anh Hừ chia sẻ: “Những năm trước, tôi nhận thấy cây tam thất (sâm Lai Châu) được thương lái mua rất nhiều và mang bán sang Trung Quốc khiến loài cây này trở nên khan hiếm và rất khó tìm ở trong những khu rừng. Lo rằng cây này sẽ bị mất giống, tôi đã vào rừng tìm và thu mua của bà con trong bản về trồng dưới tán rừng của gia đình được giao quản lý. Năm 2020, có doanh nghiệp vào bản thực hiện liên kết với người dân tổ chức trồng và bảo tồn giống sâm Lai Châu. Thấy doanh nghiệp thu mua cây giống với giá cao và triển khai tốt việc bảo tồn giống, tôi đã bán hết gần 1.000 cây giống gốc cho họ, đồng thời tuyên truyền, vận động dân bản phối hợp với doanh nghiệp để trồng cây sâm Lai Châu”.

Vườn sâm Lai Châu của Công ty Cổ phần Sâm Mường Tè mở ra hướng phát triển kinh tế cho bà con vùng cao.

Xã Tá Bạ có 6 bản với khoảng 410 hộ, dân số 1.900 người, gồm 2 dân tộc: Hà Nhì, La Hủ sinh sống, tỷ lệ người dân tộc La Hủ chiếm gần 74%. Xã có tổng diện tích tự nhiên 11.375ha, với trên 13km đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc. Địa hình chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn nằm trên dãy núi Pusilung tiếp giáp với các xã: Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ… được các nhà khoa học đánh giá là rất phù hợp cho cây sâm tự nhiên sinh trưởng cũng như phát triển trồng sâm. Thực hiện Đề án Phát triển sâm Lai Châu của tỉnh và huyện Mường Tè, cấp ủy, chính quyền xã Tá Bạ đã xác định trồng sâm Lai Châu sẽ là một trong những hướng đi chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Lỳ Nhù Chừ - Chủ tịch UBND xã Tá Bạ cho biết: Tá Bạ có tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 80%, đây là lợi thế để xã thực hiện thu hút các nhà đầu tư, vận động nhân dân phát triển kinh tế dưới tán rừng theo chủ trương của tỉnh và của huyện. Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện thực hiện khảo sát, quy hoạch các điểm phù hợp với phát triển dược liệu, đặc biệt là sâm Lai Châu tại các bản: Nhóm Pó, Vạ Pù, Là Si… Hiện, trên địa bàn đã có 1 doanh nghiệp đầu tư trồng trên 3ha sâm Lai Châu, một số doanh nghiệp vào đăng ký khảo sát để trồng dược liệu, sâm Lai Châu và có hàng chục hộ dân triển khai trồng sâm dưới tán rừng của gia đình được giao quản lý.
Tuy nhiên, việc triển khai trồng sâm Lai Châu tại xã Tá Bạ và nhiều địa phương khác đang gặp phải một số khó khăn như: chính sách hỗ trợ giống và các nguồn lực khác theo các chương trình mục tiêu quốc gia chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa triển khai được. Cùng với đó, việc trồng sâm đòi hỏi suất đầu tư lớn, kỹ thuật cao khiến người dân trên địa bàn rất khó triển khai thực hiện. Để cây sâm Lai Châu có thể bén rễ trên đất Tá Bạ, xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các doanh nghiệp tổ chức khảo sát quy hoạch vùng trồng và tập huấn, cầm tay, chỉ việc, hỗ trợ người dân làm đất, trồng sâm. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn cần thực hiện tốt việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân; có phương án, lộ trình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống để người dân trong xã có thể tham gia trồng sâm Lai Châu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Định hướng phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn xã Tá Bạ đã được các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Cương - Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Mường Tè cho biết: Nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển sâm Lai Châu tại xã Tá Bạ, năm 2020, công ty thực hiện liên kết với người dân và triển khai trồng sâm tại bản Nhóm Pó. Được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân, chúng tôi đã mua trên 2.000 cây sâm được bà con thu gom từ rừng về để làm vườn giống đầu dòng. Đến nay, diện tích vườn của công ty đã phát triển được trên 3ha. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vùng trồng. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp khác, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm liên quan đến sâm Lai Châu. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu vệ tinh bằng cách chuyển giao giống, kỹ thuật để người dân có thể tham gia nhân rộng diện tích vùng trồng, phát triển kinh tế.
Bám sát chủ trương của tỉnh, huyện, xã Tá Bạ xác định rõ hướng đi và nhận được sự đồng hành của các nhà đầu tư trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân trồng, liên kết trồng sâm Lai Châu. Bằng những hướng đi cụ thể, thiết thực và với giá trị kinh tế thực của cây sâm sẽ là tiền đề vững chắc để chúng ta tin rằng loại cây này sẽ trở thành cây nông nghiệp chủ lực để người dân Tá Bạ phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững.

D.H

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...