Thứ năm, 28/11/2024, 15:40 [GMT+7]

Tân Uyên nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP

Thứ hai, 15/08/2022 - 22:21'
(BLC) - Với cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện Tân Uyên được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế trên địa bàn.

Đồng chí Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để khuyến khích các xã, thị trấn; đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia chương trình OCOP, phòng tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các xã, thị trấn, chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP theo những tiêu chí như: lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và có tính bền vững xây dựng sản phẩm đặc trưng.

Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong xúc tiến, quảng bá tư vấn, định hướng giúp người dân, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mở liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản địa phương. Bước đầu đã tạo được kết quả nổi bật, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo.

Từ khi huyện triển khai chương trình OCOP đã thôi thúc ông Nguyễn Xuân Cát (ở tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên) sản xuất kinh doanh từ cây mắc-ca. Vốn là người thích làm nông nghiệp sạch, ông Cát đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và trồng cây mắc ca xen chè trên diện tích 1ha.

Khi mắc ca chín gia đình ông Cát thường bán quả tươi cho thương lái. Song thường xuyên bị ép giá nên ông tự mày mò chế biến thủ công nhân hạt, nhân mắc-ca khô bán ra thị trường được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Bởi, mắc ca khô ăn rất thơm, ngon, vị bùi thơm, béo ngậy đặc trưng.

Nhân hạt mắc-ca của HTX Hội Cựu TNXP huyện Tân Uyên được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 sao, giúp cho sản phẩm từng bước có chỗ đứng trên thị trường.

Nhân hạt mắc ca của HTX Hội Cựu TNXP huyện Tân Uyên được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 sao, giúp cho sản phẩm từng bước có chỗ đứng trên thị trường.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nhân hạt mắc ca khô lớn, cuối năm 2019 ông Cát vận động hội viên cựu thanh niên xung phong (TNXP) trong vùng có trồng cây mắc-ca thành lập HTX mang tên Hội Cựu TNXP huyện Tân Uyên với 7 thành viên và có trên 15ha cây mắc ca về lâu dài đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào.

HTX do ông Cát làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Đầu năm 2020, HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích 300m2 và mua hệ thống máy móc gồm: máy bóc vỏ xanh, máy rửa hạt, máy phân loại quả, máy sấy đảo chiều gió, 2 máy sấy chín hạt mắc ca, máy chặt hạt, máy hút chân không, với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

Nhờ đầu tư máy móc hệ thống máy móc và sản xuất, chế biến mắc ca theo quy trình khép kín. Đến năm 2021, sản phẩm nhân hạt mắc ca của HTX được UBND tỉnh chứng nhận đạt 3 sao. Đó cũng là động lực để các sản phẩm của HTX vươn xa. Nhân hạt mắc ca của HTX sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, một số tỉnh phía nam, còn được bày bán trên sàn thương mại điện tử và ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong tỉnh như: Siêu thị Dũng Long (huyện Than Uyên), trung tâm mua sắm Hoàng Liên Plaza (huyện Tân Uyên)…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Cát - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Hội Cựu TNXP huyện Tân Uyên chia sẻ: "HTX hiện nay đã đầu tư thêm máy làm bột dinh dưỡng và máy chiết xuất tinh dầu để sản xuất thêm các sản phẩm gồm: bột dinh dưỡng mắc ca, tinh dầu mắc ca.

Mục tiêu của HTX không dừng lại ở việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm đã đạt OCOP mà còn sản xuất chế biến nhiều sản phẩm để tiếp tục được tỉnh chứng nhận đạt OCOP. Từ nay đến cuối năm 2022, HTX tập trung hoàn thiện về nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm tinh dầu mắc ca, phấn đấu sản phẩm này để được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP".

Sản phẩm dưa lưới vàng Tân Uyên đã ngày được người tiêu dùng lựa chọn, bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.

Sản phẩm dưa lưới vàng Tân Uyên ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.

Ngoài sản phẩm nhân hạt mắc ca của HTX Hội Cựu TNXP huyện Tân Uyên, toàn huyện còn có 15 sản phẩm đạt OCOP từ 3 - 4 sao (trong đó có 3 sản phẩm được đánh giá đạt OCOP 3 sao đợt 1/2022 và đang chờ cấp giấy chứng nhận đạt OCOP) như: trà shan tuyết Than Uyên, ổi Quang Lê, bưởi Quang Lê, cà chua socola Trọng nghĩa, thịt lợn sấy Nhiễu Kiên, gạo khẩu ký, dưa lưới vàng Tân Uyên, trà kim tuyên Phúc Khoa…

Các sản phẩm đạt OCOP của huyện Tân Uyên có chất lượng tốt; mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm khá đa dạng, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Ngoài ra, huyện Tân Uyên tập trung tuyên truyền, phát triển mạnh về kinh tế tập thể. Chỉ tính riêng năm 2022 đến nay, huyện thành lập được 8 HTX chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp. Điều này, giúp từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo tiền đề hỗ trợ xây dựng các sản phẩm mang tính thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Đến cuối năm 2022, huyện Tân Uyên phấn đấu có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chuyên môn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích, ý nghĩa và cách thức tổ chức thực hiện chương trình OCOP đến doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất kinh doanh và Nhân dân.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện trên các kênh truyền thống và sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất hoàn thiện, phát triển, quản lý chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sản phẩm OCOP; phát triển liên kết chuỗi, cung ứng nguyên liệu. 

Từ đó, giúp người dân tiếp cận những cách sản xuất mới, hiệu quả hơn; từng bước nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...