Thứ năm, 28/11/2024, 14:36 [GMT+7]

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển

Thứ ba, 29/10/2024 - 23:27'
(BLC) - Xác định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới, những năm qua, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) phát triển. Qua đó, thúc đẩy nền kinh tế của địa phương, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thị trấn Than Uyên có 10 khu dân cư với 1.700 hộ, 10 dân tộc cùng sinh sống. Từ nhiều năm nay, nơi đây được đánh giá là một trong những thị trấn phát triển mạnh về kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là hoạt động thương mại, dịch vụ, xây dựng. Mấy năm gần đây, dưới tác động của cơ chế thị trường, sự quan tâm của Đảng, nhà nước về phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, trên địa bàn thị trấn ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông - lâm nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, vận tải, du lịch…

01

HTX Huyền Hữu (thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên) hiện đang chi trả cố định cho 7 công nhân với mức lương từ 8 - 11 triệu đồng/người/tháng.

Để thúc đẩy KTTT phát triển theo xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, thị trấn Than Uyên luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ, chính sách của nhà nước; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính; hỗ trợ các thủ tục vay vốn; khuyến khích các hộ, nhóm hộ dân có điều kiện thành lập công ty, HTX, tổ hợp tác. Nhất là hỗ trợ các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản.

Chúng tôi đến thăm HTX Nông nghiệp dược liệu Lai Châu ở khu 6. Tuy mới thành lập đầu năm 2024, nhưng hiện nay, HTX rất phát triển với mô hình chăn nuôi gà, trồng dược liệu và cây ăn quả. Được biết, trung bình mỗi năm, HTX nuôi khoảng 14.000 con gà thương phẩm theo hình thức nuôi gối; bán ra thị trường trên 20 tấn. Hiện nay, HTX đang nuôi gần 6.000 con gà; trên diện tích 7ha đất nông nghiệp, đơn vị trồng 2ha dược liệu (sâm, mộc hương, hà thủ ô, hoàng tinh, thiên môn…); 200 gốc ổi, hơn 300 cây mít, thanh long và 2.000 cây cau. Để đảm bảo mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, HTX chú trọng đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, đàn vật nuôi; áp dụng các biện pháp sinh học trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, HTX thu lãi từ 200 triệu đồng trở lên.

Song song với đó, thị trấn chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các khu dân cư tăng cường công tác tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Vận động xã hội hoá đóng góp từ nhân dân lắp đặt camera an ninh khắp các tuyến đường, ngõ phố. Đến nay, 100% các tuyến đường, khu phố trên địa bàn đều được lắp đặt camera, góp phần bảo vệ an ninh khu phố, để doanh nghiệp, HTX yên tâm sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thị trấn Than Uyên thường xuyên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX làm tròn nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước; trả nợ ngân hàng đầy đủ theo chu kỳ như cam kết trong vay vốn; tạo điều kiện cho lao động địa phương làm việc với mức thu nhập ổn định và hưởng một số chính sách khác: bảo hiểm xã hội, thưởng lễ, tết…

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Than Uyên có 49 doanh nghiệp, 25 HTX và 6 Tổ hợp tác, tạo điều kiện và giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Anh Mè Văn Nguyên, ở bản Pom Bó, xã Mường Cang phấn khởi chia sẻ: Tôi làm việc cho HTX Hữu Huyền được 3 năm rồi. Công việc của tôi là làm tôn xốp, kiêm lái xe; một năm thu nhập từ 100- 120 triệu đồng. Nhờ đó, giúp gia đình tôi có cuộc sống ngày càng khá hơn.

Có thể thấy rằng, sự phát triển của doanh nghiệp và HTX, tổ hợp tác không chỉ giúp các đơn vị tăng thu nhập hàng năm, vươn lên làm giàu mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại địa bàn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thị trấn và nhiều ngành nghề khác của huyện Than Uyên như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ… phát triển. Qua đó, tạo ra một chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện. Đồng thời, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân; tạo sự ổn định và bền vững cho nền kinh tế địa phương. Hiện tại thu nhập bình quân năm 2024 của thị trấn Than Uyên ước đạt 56 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,5%.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...