Thị trấn Tam Đường: Khơi dậy tiềm năng, phát triển kinh tế
Với diện tích đất đai rộng lớn, màu mỡ, nhân dân các bản trên địa bàn thị trấn Tam Đường khai thác triệt để quỹ đất để phát triển nông nghiệp. Người dân nơi đây còn có nguồn thu lớn từ cây chè - loại cây công nghiệp dài ngày, không mất nhiều công chăm sóc, lại ít sâu bệnh, cho thu hoạch đều đặn. Cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, thị trấn có tổng số 51,75ha chè, trong đó 100% chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt 261,8 tấn, đạt 53,2% kế hoạch (tăng 13,4 tấn so với cùng kỳ năm 2023).
Để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: dong riềng, chanh leo, khoai sọ, lúa chất lượng cao… Từ đầu năm nay, thị trấn triển khai cho nhân dân đăng ký thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giống lúa séng cù năm 2024. Đến nay, người dân đã đăng ký nhu cầu, thị trấn thực hiện hỗ trợ 3 bản, 82 hộ với diện tích 35,9ha... Cùng với đó, ra mắt Tổ hợp tác “Đào cảnh Tiên Bình” gồm 5 thành viên ở 2 bản: Tiên Bình, Nà Đa, thực hiện trồng, chăm sóc 27.000 cây đào cảnh.
Người dân bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) phát triển kinh tế từ trồng khoai sọ.
Những ngày trung tuần tháng 7 đến thăm mô hình phát triển kinh tế của người dân bản Tiên Bình, chúng tôi thấy nông dân nơi đây hăng say lao động sản xuất. Gia đình anh Vũ Viết Hoàng là một trong những hộ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi tận dụng triệt để quỹ đất để trồng hơn 1.000 gốc đào Nhật Tân, nhất chi mai. Chú trọng chăm sóc, tạo ra nhiều thế, dáng cây đẹp, độc đáo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cùng với đó, tôi tích cực tìm tòi, học hỏi những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao để trồng thử nghiệm tại gia đình. Năm 2021, tôi chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng 2ha dong riềng, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Tiếp đó, năm 2022, tôi trồng thử nghiệm 1ha khoai sọ, vụ đầu tiên thu được hơn 200 triệu đồng. Để đất không bị bạc màu, năm nay tôi chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng dong riềng sang trồng khoai sọ. Ngoài ra, tôi còn trồng hơn 300 gốc cây mận. Trừ chi phí, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm”.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thị trấn Tam Đường tập trung phát triển chăn nuôi, thuỷ sản. Thực hiện tốt công tác phát triển đàn gia súc, gia cầm; phòng, chống bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm… Đến thời điểm này, trên địa bàn thị trấn chưa xuất hiện ổ dịch nào. Tổng đàn gia súc hơn 2.770 con, đàn gia cầm trên 47.550 con. Năm nay, thị trấn đã triển khai cho các bản đăng ký tiêm phòng vắc-xin đợt 1 tới 13 bản, với tổng liều vắc-xin đăng ký là 3.696 liều. Tổ chức phun tiêu độc khử trùng 123 lít thuốc. Diện tích nuôi thủy sản 23,43ha, đạt 100% kế hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đoàn Việt Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đường cho biết: Thị trấn Tam Đường xác định năm 2024 “về đích” xây dựng đô thị văn minh. Vì vậy, ngay từ đầu năm, cấp uỷ, chính quyền thị trấn triển khai, thực hiện cụ thể các chỉ tiêu huyện giao; trong đó, tập trung triển khai các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, thị trấn Tam Đường đã vượt chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn (171%); nhiều mô hình, dự án triển khai đạt kết quả cao như: trồng khoai sọ (bản Nà Đa, Tiên Bình); trồng đào, cây cảnh (bản Tiên Bình), trồng chanh leo, chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá... Thị trấn đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2024.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự đồng thuận, chung tay của người dân, tin rằng thị trấn Tam Đường khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Phương Thanh
Bình luận