Thủy điện Lai Châu: Động lực cho Mường Tè bứt phá
Thứ ba, 21/09/2010 - 10:12'
(BLC) - 9 xã, thị trấn bị ảnh hưởng; hàng nghìn hộ dân phải di chuyển khỏi nơi ở cũ hoặc mất đất sản xuất… khi triển khai xây dựng Thủy điện Lai Châu là những khó khăn rất lớn đối với huyện Mường Tè. Đổi lại, đây cũng là cơ hội để huyện bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội những năm tiếp theo.
Công nhân Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng 121 thi công cầu cứng vượt sông Đà. |
Theo kế hoạch, Thủy điện Lai Châu sẽ được khởi công vào cuối năm 2010. Đi kèm với việc xây dựng thủy điện là việc thi công hàng loạt các công trình, hạng mục thuộc hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, như san gạt mặt bằng sắp xếp dân cư; phát triển giao thông, các hệ thống dịch vụ, nhu yếu phẩm, bưu chính viễn thông; ngân hàng, bệnh viện, trường học, bến xe…
Theo ông Tống Thanh Hải – Bí thư Huyện ủy Mường Tè, việc phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật đi kèm như trên chính là những thuận lợi mới cho huyện. Trong hàng loạt những thuận lợi đó, có những cái có thể nhìn thấy ngay trước mắt, có những cái đã và đang định hình. Cụ thể như vấn đề tái định cư, mặc dù thuộc diện tái định cư xen ghép và mới di chuyển, song cuộc sống của 47 hộ dân đầu tiên chuyển từ Nậm Nhùn (Nậm Hàng) về Noong Kiêng đã cơ bản ổn định. Hoặc như việc củng cố hệ thông giao thông, thi công các hạng mục phụ trợ phục vụ xây dựng thủy điện… đã thu hút một số lượng lớn công nhân và người lao động địa phương.
Đó là cái lợi trước mắt, còn cái thuận lợi đã và đang định hình thì không cần phải nghi ngờ. Khi thủy điện Lai Châu được khởi công, chắc chắn sẽ có một tuyến đường chạy dọc bờ phải sông Đà từ Nậm Manh đi Mù Cả; trên dọc tuyến đường đó sẽ có 3 cây cầu cứng vượt sông Đà. Hay như việc gia cố tuyến đường từ Nậm Hàng đi Trung tâm huyện; việc mở tuyến đường tránh ngập Thủy điện Lai Châu mới chạy dọc bên trên…
Hệ thống giao thông phát triển toàn diện, là điều mà Mường Tè khó dám nghĩ đến nếu không có sự đầu tư đồng bộ từ việc xây dựng Thủy điện Lai Châu. Đó là chưa kể đến hàng loạt những dự án, công trình khác đi kèm và đang hình thành như chợ, bến xe và hệ thống các công trình khác phục vụ xây dựng thủy điện sẽ bàn giao lại cho huyện và các xã sau khi thủy điện hoàn thành. Ngoài ra, việc xây dựng thị trấn Nậm Hàng theo chủ trương tách huyện và tiến đến xây dựng thị xã công nghiệp trong tương lai, việc người dân địa phương có cơ hội làm công nhân hay phát triển các ngành nghề mới như dịch vụ, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản… tạo cơ hội cho Mường Tè thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội trong tương lai gần.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, những cơ hội đã, đang và sẽ đến thì việc xây dựng Thủy điện Lai Châu cũng đem đến nhiều khó khăn, thách thức mới cho huyện Mường Tè. Trước hết có thể thấy, tầm ảnh hưởng của Thủy điện Lai Châu nằm gọn trong địa bàn huyện Mường Tè. Trong khi đó, không cần nói cũng có thể nhận thấy những khó khăn về đặc điểm địa hình, trình độ dân trí hay tốc độ xã hội hóa mọi mặt của huyện trong những năm qua. Việc bố trí tái định cư, sắp xếp dân cư theo mô hình nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm mặt bằng cho 43 điểm tái định cư bởi độ dốc và sự chia cắt của địa hình. Sự hạn chế trong nhận thức của người dân hay như vấn đề giải quyết được công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn người lao động sau tái định cư… Nếu không giải quyết được những khó khăn đó thì việc thực hiện tái định cư để sắp xếp dân cư theo mô hình nông thôn mới sẽ hoàn toàn thất bại. Đó là còn chưa kể đến hàng loạt những khó khăn trong công tác quản lý con người, nguồn vốn, hay việc biến đổi khí hậu và những hậu quả khôn lường từ vấn đề này nếu không bảo vệ tốt rừng đầu nguồn…
Nói về vấn đề này, ông Tống Thanh Hải – Bí thư Huyện ủy Mường Tè nhấn mạnh: “Nhìn nhận một cách nghiêm túc về những cơ hội và thách thức từ việc xây dựng Thủy điện Lai Châu đối với huyện Mường Tè, chủ trương của Đảng bộ huyện là làm sao để quy hoạch và tận dụng tốt nhất những thuận lợi, cố gắng khắc phục khó khăn, gắn tiềm năng, thế mạnh của địa phương với những thuận lợi đó”.
Cũng theo ông Hải, đối với tái định cư, sắp xếp dân cư mặc dù khó khăn nhưng huyện cũng đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ công tác tái định cư Thủy điện Sơn La. Riêng với việc giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho nhân dân là vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, ở khu vực Nậm Hàng, Mường Mô, Nậm Manh đã có cây cao su. Hiện nay ở đây huyện cũng đang cho phát triển thử nghiệm các mô hình chăn nuôi đại gia súc kết hợp thế mạnh của địa phương gắn với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên cho thương nhân, người buôn bán của huyện trong việc phát triển kinh doanh, dịch vụ… Đối với khu vực các xã khó khăn hơn, Đảng bộ huyện cũng đã tính đến những phương án như kết hợp sản xuất nông nghiệp với bảo vệ và phát triển rừng, phát triển thảo quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc… Ngoài những định hướng trên, hiện nay huyện Mường Tè cũng đã có những chủ trương quy hoạch những vùng phát triển rau xanh, nuôi thủy sản, phát triển nghề thủ công…
Với những thuận lợi vốn có từ trồng và phát triển cây cao su, từ Chương trình 30a của Chính phủ, đặc biệt là từ những chủ trương và sự kết hợp những thế mạnh này với hàng loạt những thuận lợi đã, đang và sẽ đến từ việc xây dựng Thủy điện Lai Châu trong thời gian tới, mong rằng Mường Tè sẽ tận dụng được những thuận lợi từ Thủy điện Lai Châu mang lại, tạo động lực bứt phá trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc địa phương.
Anh Tuấn
Viết bình luận
Quản lý xây dựng trái phép ở Tân Uyên
(BLC) – Công tác quản lý đất đai chưa bao giờ là việc dễ, nhất là đối với huyện Tân Uyên còn nhiều vấn đề do lịch sử để lại cũng như việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính. Cấp ủy, chính...
Việt Nam trúng cử Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025 - 2031
Ngày 20/11 (theo giờ địa phương), tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Việt Nam đã tiếp tục tái cử vị trí thành viên Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ...
Thông báo Lịch tiếp công dân tháng 10 năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh
(BLC) - Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tiếp công dân năm 2013; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật...
Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...
Đội xung kích Công ty Điện lực Lai Châu tham gia hỗ trợ khắc phục sự cố lưới điện bị ảnh hưởng do bão Yagi tại Hải Phòng
(BLC) - Do ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại các tỉnh miền Bắc đã gây thiệt hại lớn đến lưới điện, tình hình mất điện diện rộng xảy ra tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhằm hỗ trợ các đơn vị...
Bình luận