Thứ năm, 28/11/2024, 15:24 [GMT+7]

Than Uyên đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Thứ sáu, 20/05/2022 - 20:50'
(BLC) - Linh hoạt ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19, phát triển mới và đưa thương hiệu sản phẩm OCOP vươn xa, huyện Than Uyên đã chú trọng đầu tư, đa dạng kênh quảng bá sản phẩm. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo liên kết chuỗi trong sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập cho chủ thể và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Huyện Than Uyên hiện có 17 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao đến 4 sao. Các sản phẩm này tiếp tục được các chủ thể đầu tư cải thiện hơn về mẫu mã, chất lượng. Đặc biệt, tận dụng các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và mở rộng lượng khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Siêu thị Dũng Long, thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) bày bán các sản phẩm OCOP.

Siêu thị Dũng Long - thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) bày bán các sản phẩm OCOP.

Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Thiết Hà (thị trấn Than Uyên). Ngay sau khi các sản phẩm thịt lợn và thịt trâu gác bếp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đơn vị đã thay đổi mẫu mã bao bì bắt mắt với cách thức bảo quản, sử dụng cụ thể hơn. Đồng thời, mở cửa hàng giới thiệu các sản phẩm thịt sấy các loại của HTX cùng nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của huyện, của tỉnh kết hợp với sử dụng tiktok, fakebook, zalo, livetream bán hàng. Cũng cách làm như vậy, sản phẩm gạo của HTX Thanh Xuân (thị trấn Than Uyên) có thêm nhiều thị trường tiềm năng.

Theo đại diện các đơn vị, từ cuối năm 2021 đến nay đã ký kết được nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Trong đó, sản phẩm gạo đặc sản Séng cù Than Uyên (4 sao); thịt trâu, thịt lợn gác bếp Thiết Hà (3 sao) có sản lượng tiêu thụ tăng vượt bậc. Có thời điểm, không đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường, doanh thu đạt cao.

Xác định mục tiêu của sản phẩm OCOP là gia tăng giá trị cho cộng đồng địa phương. Trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể có sản phẩm tham gia đăng ký, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng trình hội đồng các cấp thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hướng dẫn chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phương án kinh doanh, mô hình sản xuất.

Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản tại địa phương; trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, ngày hội văn hóa, sự kiện của tỉnh, huyện. Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; chuẩn hóa sản phẩm thông qua đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn mác; thiết kế website; truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện bao bì, đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện có mặt tại một số thị trường trọng điểm trong và ngoài khu vực. Từ đó, giúp các đơn vị có lượng hàng tiêu thụ nhiều nhất, mang lại giá trị kinh tế cũng như thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm.

Là cơ quan chuyên môn của huyện trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Cụ thể là tập trung quảng bá, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp bằng nhiều hình thức. Tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã), hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, kết nối cung - cầu các sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ, quầy hàng trưng bày sản phẩm tại điểm du lịch cộng đồng trong và ngoài huyện. Phối hợp với các ban, ngành tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ các thủ tục hành chính giúp các cơ sở khởi nghiệp có đủ điều kiện phát triển thị trường.

Huyện Than Uyên chú trọng nâng cao chất lượng cũng như đầu tư mẫu mã để thương hiệu sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa.

Huyện Than Uyên chú trọng nâng cao chất lượng cũng như đầu tư mẫu mã để thương hiệu sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa.

Hiện, huyện Than Uyên có 7 doanh nghiệp, HTX thực hiện chuỗi liên kết-tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: lúa Séng cù, gạo Japonica, chè, chanh leo, cây ăn quả… Thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP góp phần mở rộng thị trường, nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Đây là tiền đề để Than Uyên tiếp tục hướng dẫn, xây dựng thành công thêm 10 sản phẩm OCOP trong năm 2022.

Phương Ly - Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...