Than Uyên: Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2024
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên; đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, các doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã đóng trên địa bàn huyện.
Quang cảnh Hội nghị.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Than Uyên có 102 doanh nghiệp và 73 hợp tác xã đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 4.385 tỷ đồng. Quy mô doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là vừa và nhỏ, siêu nhỏ; vốn đăng ký bình quân khoảng 40,19 tỷ đồng/1 doanh nghiệp. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp, hợp tác xã: công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, vận tải. Nhìn chung các doanh nghiệp, hợp tác xã chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đảm bảo chế độ cho người lao động.
Đến hết tháng 9 năm 2024, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đóng góp trên 34,96% nguồn thu ngân sách của huyện, khoảng 23,64 tỷ đồng/67,6 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 4.300 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 5,6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ các quỹ phúc lợi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, hợp tác xã còn bộc lộ các hạn chế như: đa số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn có quy mô siêu nhỏ, và nhỏ, vốn kinh doanh thấp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ còn hạn chế; hoạt động của một số hợp tác xã chưa cao, còn mang tính chất hộ gia đình, chưa có sự liên kết để tạo thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nhiều lĩnh vực ngành nghề chưa được đầu tư, chưa khai thác tương xứng với những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương...
Tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chia sẻ thẳng thắn những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như: khó tiếp cận nguồn vốn, thủ tục hành chính, thuê đất, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng... Từ đó, đề xuất, kiến nghị với UBND huyện nói riêng và các cấp, ngành nói chung quan tâm, xem xét, tạo điều kiện thuận lợi, có những chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả hơn. Sau khi lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương đã giải đáp các ý kiến liên quan thuộc thẩm quyền.
Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thăng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên yêu cầu, các cơ quan, ban ngành, địa phương khẩn trương rà soát, trả lời, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã tại buổi đối thoại ngày hôm nay. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu triển khai các cơ chế, chính sách và cắt giảm, bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư trên địa bàn huyện; nâng cao chất lượng và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có tâm, có tầm trong phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã. Hội doanh nghiệp huyện cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức hội; chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, hội viên. Cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh…
Hà Tĩnh
Bình luận