Thứ tư, 04/12/2024, 03:40 [GMT+7]

Thay “áo mới” cho những vùng quê nông thôn

Thứ hai, 07/03/2022 - 10:22'
Sau những ngày dài ngủ đông, trời xuân ấm áp, những búp chè trên nương chè kéo dài hút mắt đến tận chân mây của vùng chè Phúc Khoa bắt đầu cựa mình sinh sôi. Từ quốc lộ 32 nhìn lên, đan xen trong những màu xanh mơn mởn của chè là các tuyến đường giao thông nội đồng chia thành nhiều ngả men đến tận đỉnh đồi.

Anh Lò Văn Lục - Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) mỗi khi nhắc đến việc này đều cảm thấy hãnh diện và tự hào, có lẽ là bởi thật ít nơi nào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) lại gắn bó chặt chẽ với việc phát triển du lịch mà được thuận lợi như Phúc Khoa. Nếu những xã khác ở xa trục quốc lộ, nội lực của Nhân dân còn hạn hẹp, thì ở đây, bà con các bản: Ngọc Lại, Phúc Khoa, Nậm Bon… đều góp sức cùng chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Được biết, trong năm 2021, Phúc Khoa được huyện quan tâm đầu tư thực hiện nhiều chương trình phục vụ xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch. Thế nên có tới 3km đường giao thông nội đồng được đầu tư lên tận đỉnh đồi chè; gần 1.000 cây hoa (ban, muồng hoàng yến) được trồng bên đường đi vừa tạo điều kiện cho sản xuất, thu hoạch chè; vừa tạo bóng mát, cảnh quan để tới đây khi cây ra hoa, Phúc Khoa sẽ là nơi hứa hẹn điểm đến hút mắt khách tham quan. Càng nhiều khách ghé thăm, bà con trồng chè nơi đây lại có thêm nguồn thu “kép” từ du lịch ngoài cây chè.

Nhân dân xã Phúc Khoa trồng hoa ven đường lên đồi chè tạo cảnh quan du lịch.

Phúc Khoa chỉ là 1 trong 9 xã trong toàn huyện Tân Uyên được công nhận đạt chuẩn NTM, có cuộc sống khởi sắc từng ngày. Tuy nhiên, nếu nói về đổi thay lớn nhất có lẽ bắt đầu từ hệ thống đường giao thông nông thôn. Đến thời điểm hiện tại có 188km/188km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn NTM; trên 91% đường giao thông trục bản, liên bản được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn theo quy định. Nếu so với những đoạn đường giao thông đi vào các xã Nậm Sỏ hay Mường Khoa, Hố Mít xưa kia thì không thể tưởng tượng nổi sự đổi thay nhờ NTM ở các vùng quê Tân Uyên đến nhường nào. Giờ đây, giao thông nông thôn đã đi trước một bước, mở đường cho hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ở Tân Uyên phát triển.

Điều này được thể hiện rõ qua phát triển thương mại, dịch vụ, cũng là nhiệm vụ phục vụ đắc lực cho tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Tân Uyên đã đấu thầu thành công khu chợ với nhà thầu là Hợp tác xã Đầu tư và Phát triển chợ Tân Uyên (thị trấn Tân Uyên) trúng thầu trong thời gian 50 năm. Hiện nay, khu chợ đang được các đơn vị triển khai thi công gấp rút, dự kiến trong đầu năm tới, khu chợ sẽ được đưa vào hoạt động, “mở toang” cánh cửa thương mại tự do, thu hút bà con đến giao thương buôn bán.

Nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững không gì khác là bắt đầu từ nội lực. Cho người dân “cần câu cá”, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân được UBND huyện quan tâm và tập trung chỉ đạo. Tiềm năng đất đai ở Tân Uyên được ví như “tấc vàng”; do đó, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện các đề án về trồng chè, quế, mắc-ca, đến nay đã có diện tích trên 5.090ha; đề án sản xuất nông sản hàng hóa… với các giống lúa đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như: Séng cù, khẩu ký, nếp co giàng...; vùng chè với diện tích trên 3.239,2ha. Trên địa bàn huyện còn có 24 công ty, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: Chế biến chè, sản xuất giống cây trồng...

Đến nay, 100% các xã trên địa bàn huyện đã đạt tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm cũng như tiêu chí tổ chức sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người các xã lên tới 36,32 triệu đồng/người/năm (tăng 1,42 triệu đồng/người/năm so năm 2020). Số hộ nghèo năm 2021 theo giai đoạn 2016-2021 là 656 hộ, tỷ lệ theo chuẩn cũ là 5%, giảm 1,9% so năm 2020; theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 là 10,07%.

Tin vui nối tiếp tin vui khi thời điểm này, huyện Tân Uyên đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án đường nối cao tốc Lào Cai - Lai Châu. Gần trục quốc lộ 32 là một lợi thế, trong tương lai tuyến cao tốc được nối dài chắc chắn sẽ tạo nên “cú huých” mạnh mẽ, vượt bậc cho Tân Uyên đổi thay nhanh chóng. Chưa hết, Dự án khu đô thị mới thị trấn Tân Uyên đã được UBND huyện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến thi công trong quý III/2022 và hoàn thành 2 năm sau đó, góp phần chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, đáp ứng nhu cầu nhà ở của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Anh Đỗ Anh Tuấn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên khẳng định: Đến nay, huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí gồm: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; sản xuất; an ninh, trật tự xã hội; chỉ đạo xây dựng NTM. Riêng nhánh y tế của tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục chưa đạt. Lý do chưa đạt vì đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế chỉ ban hành Quyết định số 633/QĐ-BYT ngày 23/2/2010 quy định về “Trung tâm Y tế dự phòng đạt chuẩn quốc gia” chưa có quy định đối với “Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn quốc gia”. Đối với huyện Tân Uyên, Bệnh viện huyện đã sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện để thành lập Trung tâm Y tế huyện (thực hiện nhiệm vụ đa chức năng chứ không thực hiện một nhiệm vụ dự phòng như trước). Do đó, yêu cầu về nội dung “Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn quốc gia” đến nay Bộ Y tế chưa có quy định này. Hiện tại, huyện đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận huyện NTM.

Năm 2022, Tân Uyên tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí thành phần trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu để được công nhận huyện NTM đầu tiên của tỉnh.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...