Thu ngân sách của Lai Châu tăng gấp 62 lần so với năm 2004
Xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,94%, thu nhập bình quân theo đầu người năm 2018 đạt 34 triệu/người/năm.
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Hiển cho biết, chủ trương của xã trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với cây chè, một trong những cây trồng chủ lực của người dân. Vì vậy mà xây dựng đường giao thông không chỉ để phục vụ việc thu mua nguyên liệu mà còn để khách tham quan thuận tiện nhất khi đến vườn chè, cùng chụp ảnh check-in… nhờ đó mà thu nhập, cuộc sống của đồng bào 8 dân tộc trên địa bàn đã có những thay đổi đáng kể
Không chỉ ở Phúc Khoa, “Dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo” của phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu hay mô hình “vận động nhân dân thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích đất đai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất” của đồng chí Nguyễn Văn Nhuận, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Bản Bo, huyện Tam Đường chính là những cách làm hết sức thiết thực, cụ thể của các tập thể, cá nhân giúp dân xóa đói, giảm nghèo.
Từ một tỉnh xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa thiếu, vừa yếu, đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các bộ, ngành; phát huy tinh thần đoàn kết, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng cho biết, năm 2010, Lai Châu đã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đến năm 2015, ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh, xuống còn 25,4% năm 2018. Hai huyện Than Uyên và Tân Uyên đã được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016 -2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng (áo trắng) trao đổi về các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. (Ảnh: Báo Lai Châu)
Kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng khá, quy mô kinh tế tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004-2018 đạt 11,75%/năm. GRDP bình quân đầu người đến nay đạt khoảng 34 triệu đồng, tăng gấp 13 lần so với năm 2004. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm 2018 đạt 2.247 tỷ đồng, gấp 62,4 lần so với năm 2004. Tỉnh đã xây dựng và hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Chè 6.200 ha, cao su 13.000 ha, quế 5.500 ha, mắc ca 1.700 ha. Hiện 29/96 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến hết năm 2018, đường ô tô, điện lưới quốc gia đã vào đến 100% xã; tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt gần 90%, toàn tỉnh có 134 trường đạt chuẩn quốc gia. 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố, trong đó có 81 trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Không thể không nhắc tới việc hoàn thành di chuyển trên 9.000 hộ dân tái định cư các dự án thuỷ điện lớn đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành phát điện sớm trước 3 năm Nhà máy thuỷ điện Sơn La, 2 năm Nhà máy thuỷ điện Lai Châu, làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trước mắt là đến năm 2020 “đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”, đồng chí Trần Tiến Dũng cho biết, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xác định đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; điều chỉnh, bổ sung các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển các sản phẩm chủ lực có thương hiệu hàng hóa như: gạo chất lượng cao, chè chất lượng cao, cây ăn quả ôn đới, dược liệu quý, chăn nuôi trâu, bò, thủy sản và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, xây dựng điểm mô hình xã, bản nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch; tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn; phấn đấu đến năm 2020 có 38 xã và 1 huyện (thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển công nghiệp ở những lĩnh vực có lợi thế, trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản và một số ngành công nghiệp có lợi thế.
Cây chè đang giúp cho nhiều hộ dân ở Lai Châu thoát nghèo. (Ảnh: Tuấn Minh)
Tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới, phát triển kinh tế biên mậu, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, khai thác các tuyến, điểm du lịch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới.
Phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu. Tăng cường công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường; chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; kịp thời di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở và khắc phục kịp thời hậu quả thiệt hại do thiên tai.
Nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện quyết liệt chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, nguy cơ tái nghèo lớn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững. Giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại; củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và 3 tỉnh Bắc Lào...
Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tập trung quán triệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW; nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt, tuyên truyền, phố biến nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động nắm, dự báo tình hình tư tưởng, giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh; tăng cường đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên với Nhân dân; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, nhất là ở nông thôn, doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản.
Lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; chú trọng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, dân vận của các cơ quan nhà nước…
Cập nhật Thứ sáu, 04/10/2019 17:26 (GMT+7)/Tuấn Minh/dangcongsan.vn
Bình luận