Thứ năm, 28/11/2024, 13:43 [GMT+7]

Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản địa phương

Thứ tư, 16/10/2024 - 15:57'
Huyện Nậm Nhùn có diện tích rừng lớn hơn 79,5 nghìn héc-ta, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,26%. Đây là lợi thế để phát triển nghề nuôi ong lấy mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP nhằm tạo sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Khai thác lợi thế đó, cùng với nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cho các hộ gia đình, hợp tác xã.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ 1.249 thùng nuôi ong cho 2 hợp tác xã và 18 hộ dân, với tổng kinh phí trên 874 triệu đồng từ Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025. Các hộ nuôi ong chú trọng áp dụng kỹ thuật trong khâu nuôi, khai thác, bảo quản mật ong. Nhờ đó, xây dựng thành công 3 sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đó là: mật ong nơi thượng nguồn sông Đà; mật ong hoa mắc-ca Lê Lợi; mật ong hoa rừng Lê Lợi. Dự kiến, thời gian tới sẽ có thêm các sản phẩm: mật ong tinh bột nghệ nơi thượng nguồn Sông Đà, phấn ong nơi thượng nguồn Sông Đà. Với giá trị kinh tế đạt từ 2-2,5 triệu đồng/thùng/năm, giúp nhiều hộ dân xác định hướng phát triển kinh tế mới.
Được biết, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lồng ghép triển khai hỗ trợ đào tạo nghề, cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm mật ong cho các hộ dân, hợp tác xã. Nổi bật là từ năm 2023 đến nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với UBND xã Nậm Hàng mở lớp dạy nghề nuôi ong lấy mật cho trên 40 học viên là người dân bản Huổi Pết.
Anh Mùa A Phừ ở bản Huổi Pết (xã Nậm Hàng), thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp, xây dựng và thương mại Nậm Nhùn xây dựng được sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao chia sẻ: Qua lớp dạy nghề và được cán bộ chuyên môn của huyện, xã “cầm tay chỉ việc”, tôi thuần thục các kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Không chỉ tôi mà các học viên sau khi kết thúc khóa học đã đầu tư nuôi ong hoặc làm nhân công cho các hợp tác xã nuôi ong trong xã, huyện với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

1

Học viên lớp dạy nghề nuôi ong lấy mật ở bản Huổi Pết, xã Nậm Hàng tham quan thực tế mô hình trên địa bàn xã.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong, các cơ quan chuyên môn huyện tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị đảm bảo quy trình khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn, thị trường. UBND huyện tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, kết nối cung - cầu các sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ, cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại điểm du lịch cộng đồng trong và ngoài huyện. Các chủ thể chủ động giới thiệu sản phẩm và bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như: Tiktok, Facebook, Shopee… Nhờ đó, sản phẩm mật ong trên địa bàn huyện đang được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường.
Ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Huyện xác định xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, đặc biệt là các sản phẩm từ mật ong là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Do đó, đã đồng hành cùng các chủ thể, hợp tác xã, hộ gia đình thúc đẩy phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn định hướng các chủ thể xây dựng các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn tiến đến nâng sao các sản phẩm từ mật ong OCOP 3 sao lên 4 sao. Động viên, khuyến khích chủ thể đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc; đặt tên sản phẩm gắn với địa danh, địa lý, văn hóa địa phương cũng như tên đơn vị.
Tin rằng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền đồng hành và nỗ lực của chủ thể, mô hình nuôi ong lấy mật gắn với xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP tại huyện Nậm Nhùn sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

N.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...