Thứ năm, 28/11/2024, 12:44 [GMT+7]
Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VI/2021 (Giải búa liềm vàng)

Người Si La ơn Đảng - Kỳ 1: Chuyện của thời thống khổ

Thứ sáu, 04/06/2021 - 09:55'
Từng là tộc người du mục, du cư vào nước ta, lắm lúc cơ cực trong phận tôi đòi dưới ách của vua vùng, chúa bản, đến mức phải bán sới, rời quê mà náu mình nơi thâm sơn cùng cốc… để rồi, trong lịch sử của người dân tộc Si La đã từng có những trang vô cùng tủi khổ. Nhưng từ khi đi theo Đảng, Bác Hồ và cách mạng, đồng bào Si La đã được thay vận, đổi đời, vươn lên mạnh mẽ. Ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã thấm trong từng manh áo, bát cơm, từng con chữ, nếp nhà và trong đồng bào dân tộc Si La nơi đây, nhà nào cũng có bàn thờ Bác Hồ.

Bị xua đuổi khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, phải lang bạt từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) sang Lào, rồi dạt về Việt Nam. Cuộc du cư vạn dặm ấy là một phần trong thiên lịch sử vừa can trường, vừa đau thương của người Si La. Trong cuộc du cư ấy, đã có biết bao bàn chân tướp máu, những bàn tay buông lìa khi mơ về nơi an cư lạc nghiệp, nhưng khi đến được rồi lại gặp sự hà khắc của quan lại bản mường cũng đâu để những người Si La yên thân… May thay, ngày đó đã xa rồi!
Người Si La ở Việt Nam chỉ có hơn 900 người, trong đó chủ yếu tập trung ở hai bản Seo Hai và Sì Thâu Chải (xã Can Hồ - huyện Mường Tè - Lai Châu) với 161 hộ và hơn 612 người. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào Si La đã có sự đổi thay kỳ diệu. Cuộc sống đã sung túc hơn nhưng bà con không bao giờ quên ơn, nguồn cội.

Cụ Hù Cố Xuân (ở giữa) kể cho con cháu nghe về lịch sử dân tộc mình.                                                                   Ảnh tư liệu

Cụ Hù Cố Xuân (ở giữa) kể cho con cháu nghe về lịch sử dân tộc mình. Ảnh tư liệu

Trong căn nhà mới dựng còn thơm mùi gỗ, sau bữa cơm gia đình rất là tươm tất với gà nhà, cá sông, bên bếp lửa liu riu, cụ bà Hù Cố Xuân - nghệ nhân dân gian duy nhất hiện nay của người Si La ở bản Seo Hai (Can Hồ - Mường Tè - Lai Châu) kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của dân tộc bà. Than củi nổ lách tách, ánh lửa le lói, chờn vờn, bằng chất giọng trầm ngâm, chầm chậm, sử thi, cụ Xuân vừa như kể, vừa như ôn lại những trang ký ức mang linh hồn tộc người Si La mà cụ được cha, ông truyền lại. Trong những trang ấy, tháng ngày tươi sáng mới chỉ xuất hiện có vài chục năm nay… “Người Si La mình (bà coi chúng tôi như con cháu) vốn không phải ở đất này, chúng ta “bắt nguồn” từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc cơ. Dân tộc chúng ta hiền lành, không đua tranh quyền lực, chỉ biết cặm cụi làm ăn. Nhưng những cuộc chiến tranh giữa các tộc người, rồi các quốc gia khiến dân ta không thể ở được. Các cụ phải nhổ trại, dắt con, lìa bỏ quê nhà mà tha hương cầu thực khắp nơi. Cứ nơi nào không có giao tranh, không có áp bức là tìm đến. Nhưng thời ấy chỗ nào chẳng có vương quyền, chỗ nào cũng có quan lại. Theo những cánh rừng, xuôi xuống phương Nam, dân tộc mình tìm nơi thật xa để an cư, lạc nghiệp. Lang thang du mục hết đời này kiếp khác, biết bao người đã nằm lại trên đường du cư. Chẳng biết đi hết bao ngày, bao tháng, qua bao cánh rừng, ngọn núi, thoát khỏi bao hiểm nguy chờ trực. Rồi ta xuống đến xứ Ai Lao (Lào)…”. Như kết thúc một chặng đường, cụ Xuân nâng chén nước, đưa lên môi mà chưa vội uống. Cụ nhìn vào ngọn lửa le lói trên gộc củi, tuy to mà không đượm, thế nên ngọn lửa mãi chẳng bùng lên được. Ngoài hiên, sương đêm của núi rừng đã tụ đủ trên mái tôn mới lợp của ngôi nhà tái định cư, tí tách, đều đều như đoạn nhạc chờ cho bài sử thi của người Si La tiếp tục ngân lên.
Tưởng rằng yên ổn ở Ai Lao, nhưng chẳng bao lâu thì quan trên cũng tìm đến những túp lều lá vẫn còn xanh của người Si La. Cái khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, sự hà khắc về chế độ cai trị đã ép buộc những đôi chân du cư tiếp tục nhổ trại lên đường. “Lần này các cụ không tiến xuống phía Nam nữa mà tìm đến những cánh rừng phía Đông, nơi mặt trời lên. Các cụ bảo đi theo thần mặt trời sẽ không bị đói. Đi mãi, rồi chúng ta gặp một con sông vừa hùng vĩ vừa bình lặng, nơi ngã ba sông có bùn hồng, có dấu chân con thú uống nước, bên bờ có các bản làng trù phú. Chỗ ấy chính là ngã ba sông Nậm Na và sông Đà bây giờ đấy các nhà báo và các cháu ạ. Tìm được đất tốt, cha ông ta đã dựng bản ở vùng ấy định bụng sinh sống lâu dài. Tuy lúc ấy thoát được sự truy đuổi của những vị vua Lào, nhưng lại bị ông vua ở vùng đất mới này bắt con gái, bắt phu phen, bắt làm nô lệ, vì họ coi chúng ta là hạ đẳng. Thế là, có đất tốt mà chúng ta chẳng được sống vui. Ông cha chúng ta lại bỏ đi, ngược lên thượng nguồn sông Đà, tìm nơi thanh vắng, thoát khỏi sự truy lùng của quân, lính mà lập bản, đấy cũng chính là vùng Seo Hai, Sì Thâu Chải này”. Cụ Xuân dừng lại, nhen thêm khúc củi vào bếp để nhóm cho lửa tỏ mặt người và như thể nghiệm lại quãng ký ức nhọc nhằn của dân tộc mình. Ngoài kia, sông Đà thiêm thiếp dưới trăng, như lắng nghe lời kể của cụ.

Đồng bào Si La đi hội trên con đường bêtông mới đổ ở bản Seo Hai nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.                    Ảnh tư liệu

Đồng bào Si La đi hội trên con đường bêtông mới đổ ở bản Seo Hai nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu

Ngọn lửa bùng lên, soi rõ những nếp nhăn đã giãn ra trên gương mặt cụ Xuân và những gái trai quây quần. Người nghệ nhân duy nhất của người Si La dường như đổi giọng, vui hơn khi nhắc đến những tháng ngày được sống dưới chế độ mới, được Đảng, Bác Hồ đưa đường chỉ lối, được cán bộ cách mạng truyền tai về “cái người Đảng” tốt thế nào, giúp mình cái gì, mình được những gì và phải làm thế nào. “Lúc còn bị đô hộ bởi thực dân Pháp, không chỉ quan lại, phong kiến chèn ép mà bọn Pháp cũng thường xuyên cướp trâu, cướp gà, cướp thóc, cướp cả con gái, con trai của không riêng dân tộc mình mà cả những dân tộc khác. Căm lắm, ức lắm nhưng chẳng biết làm sao. Thế rồi có cách mạng, có Bác Hồ, có Việt Minh, rồi chiến thắng Điện Biên Phủ khiến cho bọn Pháp cùng “bộ sậu” của chúng chạy hết, thì dân mình mới được yên ổn làm ăn. Nhà nước mình cũng thật tốt vì không phân biệt giữa các dân tộc mà còn gọi chúng ta hai tiếng: đồng bào, coi chúng ta là người của Đảng, con cháu Bác Hồ. Rồi sau đó đến phong trào đổi công, rồi hợp tác xã. Bà nhớ, những năm 1956 đến 1960, lúc đó đi qua đám nương của bản, nhìn lên là những kho thóc to lắm. Người già của bản mình, lúc ấy cũng bảo chưa bao giờ có kho thóc to và nhiều như thế. Nhờ Đảng của Bác Hồ đấy, nhờ cách mạng đấy! Thế là từ ấy, người Si La mình nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ và nhà nào cũng lập một bàn thờ Bác Hồ là như thế”.
Đêm đã về khuya, đám trẻ con đã nằm tròn trong lòng mẹ, nhưng mọi người vẫn chưa ai muốn rời bếp lửa của cụ Xuân. Họ muốn tiếp tục được nghe cụ kể về những trang tươi sáng, những bước đi lên của dân tộc mình. Cụ Xuân chiều họ. Cụ kể về ngày được ăn bữa cơm trắng đầu tiên, rồi ngày cụ và những trẻ em trong bản được đi học, ngày Nhà nước mang giống lúa mới đến cho bà con, kỷ niệm về cây cầu treo vắt qua sông Đà, phá vỡ cái vòng cô lập người Si La với cuộc sống bên ngoài. Rồi có điện, có tivi, xe máy, rồi dần dần bản trở thành “phố” và cuộc sống ấm no, sung túc ngày nay thì dường như ai cũng biết…
Một cháu bé trong lòng mẹ ngơ ngác ngước lên: Dân tộc mình có chuyển đi nữa không cụ? Xoa đầu cô bé, cụ chậm rãi mà chắc chắn: “Không! Không đi đâu nữa! Đây là nhà mình, là quê mình! Ở đây có Đảng, có “Khọa Tí” rồi, không khổ nữa đâu”. Cụ ngẩng lên phía tôi mà giải thích: “Khọa Tí là thần đất, thần trời, chính là Bác Hồ đấy…”.
Sương khuya đã vờn lên những nóc nhà trong bản khiến ánh lửa từ bếp củi của cụ Xuân huyền ảo hơn. Ở đó cụ vẫn đều đều kể chuyện, những trai gái, dân bản vẫn chăm chú lắng nghe, còn lũ trẻ đã bắt đầu mơ màng giấc ngủ mà trong tay vẫn giữ chặt chiếc ôtô đồ chơi. Trong giấc mơ của các em, chắc sẽ là các trang tươi sáng bởi lời cụ Xuân vẫn văng vẳng: Không khổ nữa đâu.

(Còn nữa)

 Kảnh Phượng - Hà Dũng - Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...