Mắc-ca khẳng định vị thế trên đất khó
Tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 5,2 nghìn héc-ta cây mắc-ca, trong đó diện tích trồng thuần chiếm 2/3, còn lại là trồng xen canh với các cây trồng khác. Các địa phương: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường đã trở thành vùng trọng điểm cây mắc-ca của tỉnh. Mắc-ca có thể trồng tại các vườn tạp sau khi được cải tạo, trên các khu đất nương bạc màu và đất dốc, trồng xen canh với chè, các cây trồng ngắn ngày họ đậu… Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu, Công ty An Đức Minh, Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu, trên địa bàn tỉnh ta đang hình thành các nông trường mắc-ca với diện tích lớn.
Các giống mắc–ca 246, QN và A 83, 842, 816 đã khẳng định ưu điểm: năng suất cao, chất lượng quả tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân địa phương và đã được trồng đại trà. Những năm trước, giống được nhập từ các tỉnh bạn, chi phí vận chuyển lớn, cây giống phải vận chuyển dài ngày ảnh hưởng tới chất lượng giống, tỷ lệ sống khi xuống giống. Để khắc phục tình trạng này HTX Voòng Dính (Phong Thổ), Công ty Cổ phần Liên Việt (Than Uyên) đã chủ động sản xuất giống, đảm bảo cung ứng 500 cây giống đủ tiêu chuẩn cho mỗi vụ sản xuất.
Người dân xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn) chăm sóc cây mắc-ca.
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” – nhờ dày công chăm bón năm nay, toàn tỉnh có 274ha cây mắc-ca tại các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ và thành phố Lai Châu đã cho thu hoạch. Năng suất trên diện tích trồng xen canh đạt 0,5 tấn/ha, trồng thuần năng suất, sản lượng cao hơn. Ông Lý Văn Thái ở bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) cho biết: Gia đình tôi trồng thuần gần 2ha cây mắc-ca, năng suất những vụ gần đây đạt 1,2 – 1,5 tấn/ha. Với thời giá hiện tại, mỗi hécta trồng xen, trừ các khoản chi phí, gia đình thu gần 200 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống cây trồng khác.
Được đánh giá là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi mắc-ca thương phẩm đang đợi cơ hội vươn ra thị trường trong nước, quốc tế thì phần lớn sản phẩm đang được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận. Một số doanh nghiệp đã thu mua, chế biến sản phẩm mắc-ca (hạt mắc-ca sấy khô của Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao). Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án xây dựng nhà máy chế biến tại xã Mường So (huyện Phong Thổ) và xã Mường Kim (huyện Than Uyên) đảm bảo mắc-ca được chế biến tại chỗ, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi được cung cấp ra thị trường.
Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có những nhận định xác đáng về tiềm năng phát triển, mở rộng diện tích cây mắc-ca: diện tích đất trống, nương kém hiệu quả có thể chuyển đổi sang trồng mắc-ca trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Tỉnh định hướng giai đoạn 2021–2030 trồng mới trên 35.000ha cây mắc-ca. Là cây trồng đa mục đích, diện tích mắc-ca được mở rộng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Lai Châu đang phấn đấu trở thành “thủ phủ” mắc-ca của cả nước.
Vừa qua, đồng chí Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Đoàn công tác đã đi thăm thực tế, nắm tình hình phát triển cây mắc-ca tại tỉnh ta. Đồng chí đánh giá cao về sự chủ động của Lai Châu trong phát triển diện tích giống cây đa mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao này. Đồng chí cũng chỉ đạo, trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện tốt liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân trong quá trình thâm canh mắc-ca. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn bộ giống phù hợp, tăng cường công tác quản lý giống và hàm lượng “chất xám” để nâng cao chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm mắc-ca Lai Châu trên thị trường.
Để mắc-ca tiếp tục phát triển diện tích, phát huy hiệu quả kinh tế, trong quá trình triển khai mở rộng diện tích sản xuất, người dân cũng rất cần có sự đồng hành của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong quá trình chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bùi Chiến
Bình luận