Chủ nhật, 01/12/2024, 09:32 [GMT+7]

Điểm sáng trong phong trào làm đường giao thông nông thôn

Thứ sáu, 15/03/2013 - 15:12'
(BLC) – Trong 5 năm (2008 - 2012), xã San Thàng, thị xã Lai Châu xây dựng được 86 tuyến đường với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Trong đó vốn nhà nước 11,8 tỷ đồng còn lại do nhân dân đóng góp. Với những kết quả đó, San Thàng được UBND tỉnh chọn là 1 trong 2 xã tiêu biểu của tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tặng Bằng khen về triển khai thực hiện tốt phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Từ trung tâm xã, chúng tôi thả bộ trên những tuyến đường bê tông mới mở do nhà nước và nhân dân cùng làm đến bản Thành Công, xã San Thàng. Đang vào vụ thu hoạch chè, nên trên các đồi chè, người nông dân phấn khởi, hăng say lao động. Gạt giọt mồ hôi còn vương trên trán, ông Đỗ Tiến Lực cho biết: “Con đường này mới hoàn thành đầu tháng giêng vừa rồi. Nhớ lại những ngày trước đường đất vừa nhỏ, vừa lắm ổ gà. Cứ vào mùa mưa, chuyện cả người và xe đổ kềnh giữa đường không hiếm, ấy vậy mà bây giờ việc đi lại, vận chuyển chè đã thuận tiện hơn rất nhiều. Thật không gì vui bằng”.

Ở San Thàng, nhiều tuyến đường bê tông được trải tới tận chân đồi.

Bên đồi chè xanh ngát ông kể cho chúng tôi nghe, khi xã phát động làm đường giao thông nội đồng, nói đến đóng tiền ai cũng có vẻ e dè nhưng khi nghe cán bộ xã giải thích, có đường rồi việc vận chuyển sản phẩm nông nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nên bà con đồng tình hưởng ứng. Mỗi hộ trong bản đóng góp hơn 100.000 đồng cùng với cát, sỏi, đá và công lao động… con đường dài gần 500m cũng hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ngày nghiệm thu công trình ai cũng vui mừng, phấn khởi vì từ nay không sợ phải thu hái chè vào mùa mưa nữa.

Tìm hiểu chúng tôi được biết trước đây để đưa nước tưới, phân tro lên những đồi chè hay phun thuốc trừ sâu bà con phải đi thuê nhân công lao động. Mỗi lần phun thuốc trừ sâu rẻ nhất cũng phải mất 15.000 đồng/bình chi phí thuê người đưa lên đồi. Còn gánh nước lên tưới thì thật kinh khủng, ấy vậy mà vẫn phải làm vì miếng cơm manh áo của mỗi gia đình. Giờ thì xe máy đi vào tận chân đồi. Có điều kiện, bà con đầu tư máy hái chè, thu hoạch vừa nhanh, vừa giảm chi phí nhân công lao động.

Cũng giống như nhân dân bản Thành Công, khi được tuyên truyền về lợi ích của làm đường giao thông, người dân bản Lùng Thàng cũng hăng hái tham gia. Anh Lý Văn Long – hộ điển hình trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn cho biết: “Ngay khi chính quyền xã triển khai chủ trương làm đường giao thông nội đồng và đặt vấn đề hiến đất để triển khai dự án, tôi đã “thông” tư tưởng và chấp thuận ngay, đồng thời vận động bà con tích cực hưởng ứng”. Không chỉ hiến cho xã 200m2 đất trồng chè vốn đã rất ít ỏi của gia đình mà không đòi hỏi gì, anh Long còn nhiệt tình tham gia các ngày công lao động với suy nghĩ rất đơn giản: “Tuy thiệt cho nhà mình nhưng là cái lợi chung cho toàn xã thì mình nên tham gia”. Còn ông Vàng Ngọc Nhí – Bí thư Chi bộ bản Phan Lìn chia sẻ: “Là đảng viên nên tôi nghĩ mình cần phải gương mẫu chấp hành trước bà con mới làm theo nên tôi bàn với gia đình tự nguyện hiến đất 50m2 đất sản xuất để thi công gần 1km đường nội bản (từ trục đường chính vào trung tâm bản). Mình ủng hộ chủ trương của xã cũng là ủng hộ cho cái chung, cái lâu dài mà thôi”.

Giao thông thuận lợi, bà con bản Thành Công đưa máy móc vào sản xuất.

Có thể nói, khi triển khai các dự án làm đường, nhiều khó khăn cũng nảy sinh, trong đó lớn nhất là phải thu hồi một phần lớn diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư của dân, nhiều hộ mất gần nửa diện tích vườn, cây cối hoa màu … Nhưng chính từ ý thức và tâm huyết của dân mà khi xã bắt đầu triển khai kế hoạch làm đường và kê khai diện tích đất bị thu hồi, không ai bảo ai các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa đã đồng loạt làm thủ tục hiến đất cho xã mở đường. Chỉ trong thời gian ngắn, công việc giải tỏa đã hoàn tất để xã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thuận tiện.

Để có được sự đồng thuận trong nhân dân, Đảng ủy xã thống nhất ra nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện; điều tra tập hợp số liệu tình hình kinh tế xã hội, hiện trạng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của xã để làm cơ sở quy hoạch giao thông nông thôn rồi thông báo tới nhân dân. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đến từng hộ… nên khắp nơi trên toàn xã người dân nô nức tự nguyện hiến đất làm đường.

Ông Hoàng Chí Tình - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Những tuyến đường đóng góp từ sức dân này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, đi lại của nhân dân trong xã và là cơ sở để thu hút đầu tư các dự án, ngành nghề mới phát triển trên địa bàn xã. Và một điều quan trọng hơn nữa là từ phong trào hiến đất làm đường giao thông đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng, nhờ vậy mà bài toán khó trong công tác phát triển Đảng ở San Thàng tự nhiên có lời giải”.

Đến xã San Thàng hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng, bởi không chỉ có tuyến đường lớn được mở mà các tuyến đường liên thôn, bản cũng đươc đầu tư nâng cấp. Những con đường mới mở với sự góp sức xây dựng từ lòng dân, ấm no đã về khắp các bản làng, đây cũng chính là điều kiện thuận lợi giúp xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...