Bản Khá: Ổn định cuộc sống trên quê mới
Từ thị trấn Than Uyên, chúng tôi vượt gần 20km đường đầy đá, dốc ngoằn nghèo, đến điểm tái định cư bản Khá. Các công trình nước sinh hoạt, đường điện, nhà văn hóa đã hoàn thành. Từ đầu bản những cửa hàng bán lẻ cũng dần mọc lên phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con.
Bà con bản Khá, xã Tà Mung (huyện Than Uyên) sử dụng nước sạch.
Những ngôi nhà sàn được thiết kế theo kiến trúc của dân tộc Thái nằm san sát nhau thành hai dãy trên con đường thẳng tắp từ đầu đến cuối bản với vóc dáng mới của một “phố bản”. Trên các thửa ruộng bậc thang, từng tốp nông dân nhanh tay gieo cấy lúa vụ mùa. Tất cả đang quyết tâm “an cư lạc nghiệp”, cùng nhau xây dựng quê hương mới.
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà còn thơm mùi gỗ mới, trưởng bản Lò Văn Khịn không dấu niềm vui khi kể cho chúng tôi về sự thay đổi của bản. Ông nói: “Nhà báo xem mới chuyển lên được gần 2 năm, bà con đã bắt đầu thích nghi với cuộc sống rồi. Ngoài việc khoai hoang ruộng nước, trồng hoa màu, bà con còn biết xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Nhờ đó, đời sống bà con đã khá hơn rất nhiều, có hộ còn có của ăn của để, con trẻ đã được học hành đến nơi đến chốn”.
Nhớ lại những ngày đầu mới chuyển lên vùng đất mới, thật không kể hết những vất vả mà nhân dân gặp phải. Xung quanh chỉ toàn núi rừng bao phủ, mặt bằng cơ sở vật chất ngổn ngang, mỗi khi trời mưa đường đất lầy lội, mùa nắng thì bụi bặm, bà con trong bản ai cũng nản lòng.
Nhưng với sự giúp đỡ của Ban Tái định cư huyện và sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền các đoàn thể trong xã, đặc biệt là ý chí vươn lên không ngại gian khó của bà con, những ngôi nhà sàn đã được dựng lên, đất đai được khai hoang, các tuyến đường được tu sửa... đã qua rồi những ngày đầu gian khó.
Về nơi ở mới, bà con ở điểm TĐC bản Khá đã có nước sinh hoạt, khắp bản làng dòng diện đã lung linh tỏa sáng từng nếp nhà. Ngày bản có điện đã trở thành ngày hội của bà con, đường làng ngõ xóm đông vui nhộn nhịp, mọi câu chuyện dường như dành cho chủ đề mua sắm đồ điện sinh hoạt trong gia đình từ chiếc tivi đến nồi cơm điện, bếp ga, máy xay xát…
Điện về bản, bà con được xem ti vi, các kiến thức KHKT trên các phương tiện thông tin đại chúng được áp dụng vào sản xuất. Đến nay gần 100% gia đình đã mua được tivi, nhiều hộ còn đầu tư mua máy xát gạo phục vụ bà con trong bản.
Vui mừng hơn là về nơi ở mới, sự học dành cho thế hệ măng non đã được người dân trong bản quan tâm hơn. 100% trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường. Năm học mới sắp tới, các em mầm non và tiểu học sẽ được học trong ngôi trường mới khang trang, không còn phải ngồi học trong phòng học tạm, gầm sàn. Các em không còn bữa đói, bữa no băng rừng, lội suối để tới trường học chữ.
Cùng chung niềm vui đó, Anh Lò Văn Thuân chia sẻ: “Dân bản mình vui lắm! Đến nơi ở mới vừa có tiền, vừa có nhà đẹp, con cái thì được đi học gần trường không phải lo lắng nữa... Ở bản cũ, mỗi lần trời mưa gió thì mình lại sợ các con đi học về phải lội suối, leo núi lỡ xảy ra chuyện gì thì khổ lắm. Bây giờ thì mình yên tâm rồi”.
Từ số tiền bà con được đền bù tái định cư theo quy định của nhà nước, cuộc sống đã có những bước thay đổi tích cực. Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dựng nhà, mua sắm vật dụng trong sinh hoạt gia đình. Số tiền còn lại bà con đầu tư mua đất sản xuất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cùng ăn với bà con bữa cơm chiều, trong tất cả các câu chuyện đều xoay quanh chủ đề nhiều hộ đã “tiết kiệm tiền để mua đất sản xuất”. Điển hình như vợ chồng anh Lò Văn Vạn, gia đình anh được nhận gần 100 triệu đồng từ tiền đền bù hỗ trợ TĐC, anh dùng 30 triệu đồng để mua 1.500m2 đất sản xuất lúa. Số tiền còn lại anh tiết kiệm gửi ngân hàng lấy lãi suất để đầu tư cho các con ăn học.
Anh Lò Văn Vạn nói, những đồng tiền ấy là mồ hôi nước mắt của mình nên phải biết tiết kiệm nó, nếu thấy mình có nhiều tiền mà chỉ nghĩ đến ăn chơi, tiêu pha lãng phí, khi hết tiền thì lấy gì để sinh sống.
Không chỉ có gia đình anh Vạn mà hiện nay trong bản đã có 60 hộ mua được đất sản xuất. Đây là vụ sản xuất lúa mùa đầu tiên nên bà con rất chủ động khung thời vụ, đưa giống lúa nếp 97 mới vào gieo trồng, ngoài ra, bà con còn trồng được 5ha sắn, 1ha ngô, lạc…
Để bà con yên tâm ổn định cuộc sống, trong thời gian tới xã Tà Mung sẽ thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, mở thêm lớp tập huấn, dạy nghề cho bà con. Cùng với đó, người dân điểm TĐC bản Khá cũng mong muốn sớm được đầu tư xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đưa các giống lúa, ngô mới có năng suất vào thâm canh gieo trồng, xây dựng các mô hình trang trại phát triển kinh tế.
Hà Tĩnh
Bình luận