Thứ ba, 03/12/2024, 07:46 [GMT+7]

Con đường mở hướng thoát nghèo

Thứ năm, 24/01/2013 - 14:47'
(BLC) - “Những con đường bê tông được mở ra sẽ giúp bà con thuận lợi trong giao thương buôn bán, con trẻ đến trường, nhân dân đi lại dễ dàng hơn... Đó cũng là điều kiện quan trọng để nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” - đồng chí Sùng A Hồ - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định.

Con đường đầu tiên được thực hiện từ phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới được xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu năm 2013 đến hôm nay, 300m đường từ bản Tả Chải ra đến gần ngã ba Trung Chải (xã Sùng Phài) đã được hoàn thành. Không kể những ngày đông rét mướt, cứ từ 7 giờ sáng bà con đã tập trung tại điểm làm đường, chuyên chở vật liệu từ ngã ba Trung Chải vào đến nơi tập kết; kéo đường nước, đánh hồ, san mặt đường. Tuy mệt nhưng trên khuôn mặt ai cũng tươi cười niềm nở.

Ông Chẻo A Páo - Phó bản Sùng Phài hồ hởi tâm sự: “Bà con chúng tôi mong mỏi có con đường giao thông để đi lại thuận tiện. Với độ dốc cao gần như dựng đứng, mùa khô thì còn đi lại được, chứ vào mùa mưa thì bà con chúng tôi phải cõng từng bao thóc, ngô ra đến chợ thị xã Lai Châu bán. Nếu trời mưa to kéo dài trong nhiều ngày, bà con cũng phải bó tay vì không thể ra bên ngoài. Do vậy, khi xã phát động làm đường GTNT là chúng tôi hưởng ứng ngay”.

Bà con tích cực tham gia làm đường giao thông.

Được biết, để giúp bà con bản Tả Chải làm đường, nhân dân 3 bản người Dao: Sùng Phài, Căn Câu, Sin Chải đã huy động nhân lực giúp đỡ ngày công, sau này, khi các bản còn lại làm đường, sẽ luân phiên huy động công sức giúp nhau. Điều này làm lên nét đẹp trong gìn giữ truyền thống đoàn kết, chung tay chia sẻ khó khăn của nhân dân các dân tộc xã Sùng Phài.

Đường GTNT được thực hiện với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó bà con nhân dân đóng góp 600.000 đồng/hộ và ngày công làm đường; nhà nước đóng góp tiền vật liệu và công vận chuyển. Được biết, để đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí đường GTNT, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân đến các bản, trong tương lai, xã Sùng Phài phải đầu tư nâng cấp 8 tuyến đường trục bản với tổng chiều dài 22,8km; đầu tư nâng cấp 14 đường ngõ bản với tổng chiều dài 6,3km; đầu tư xây dựng 14 tuyến đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài 27,2km.

Con đường mở hướng thoát nghèo cho dân.

Tuy nhiên, Sùng Phài có địa hình dân cư phân bố rải rác, không tập trung, bản cách bản chừng 4 – 5km, đường giao thông đi lại khó khăn… là những trở ngại lớn khi đầu tư làm đường. Đơn cử như đường đi từ ngã ba Trung Chải (cách trụ sở UBND xã khoảng 7km) vào đến bản Sùng Phài mất khoảng 10km, chủ yếu là đường mòn, nhiều khe suối, đồi núi với độ dốc khoảng 70 – 80% nên giao thương cách trở, đặc biệt là vào mùa mưa. Các bản như: Căn Câu, Sùng Phài, Sin Chải lại nằm ở 3 hướng khác nhau (trung bình 8km/hướng tính từ ngã ba Trung Chải) nên giao thông không thành tuyến, do vậy, việc đầu tư cũng rất tốn kém.

Căn cứ tình hình thực tế, xã xây dựng lộ trình đến đích xây dựng NTM, theo đó trong giai đoạn 2017 - 2020 xã mới có thể hoàn thành tiêu chí giao thông cùng với 3 tiêu chí khác là: trường học, chợ nông thôn và cơ cấu lao động.

Về khả năng hoàn thành theo tiến độ đã định, đồng chí Sùng A Hồ cho biết: “Sau khi quán triệt đến toàn thể nhân dân về huy động sức dân làm đường, bà con đã nhiệt tình hưởng ứng. Khoản đóng góp 600.000 đồng/hộ không phải món tiền nhỏ, đặc biệt đối với các hộ khó khăn, song bà con đã tích cực đóng góp đầy đủ, đúng thời gian quy định. Những ngày đầu năm 2013, xã mới triển khai việc làm đường GTNT, tuy nhiên chưa đầy 3 tuần, tuyến đường giao thông đầu tiên đã hoàn thành. Với sự đồng lòng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và mơ ước có con đường mở hướng thoát nghèo của bà con, tôi tin, tiêu chí giao thông phục vụ cho chương trình xây dựng NTM của xã sẽ về đích trước thời gian”.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...