Nhà vệ sinh ở vùng sâu vùng xa: Còn nhiều việc phải làm
Đến các xã, bản vùng sâu vùng xa, chúng tôi thấy nhiều gia đình không làm công trình vệ sinh, hoặc nếu có thì cũng làm rất tạm bợ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.
Do tập quán sinh hoạt cũ, người Lự sinh sống tại xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ) ở nhà sàn và không làm nhà vệ sinh gia đình.
Một thực trạng khó tin được các cô giáo dạy trường tiểu học, mầm non xã Tả Phìn, Phăng Xô Lin (huyện Sìn Hồ) kể rằng: những người lần đầu mới vào xã, tìm được nhà vệ sinh ở các gia đình là chuyện… vô cùng khó khăn. Phải “mục sở thị”, chúng tôi mới tin được điều này: người dân quen với tập quán sinh hoạt lạc hậu nên đi vệ sinh khá bừa bãi ở các trảng đất trống, ngoài vườn, trên rừng, đồi… gây mất vệ sinh trong sinh hoạt và tiềm ẩn nhiều dịch bệnh.
Ở những bản vùng sâu vùng xa của huyện Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ngay ở các bản thuộc thị xã Lai Châu như: Sin Páo Chải, Gia Khâu 1, 2 (xã Nậm Loỏng), chúng tôi cũng bắt gặp nhiều gia đình sống quen với nếp “không cần làm nhà vệ sinh”, hoặc có làm thì cũng rất tạm bợ, sơ sài bằng vài mảnh ván thưng, bao tải buộc qua quýt, thậm chí dựng ngay bên bờ ao...
Quả thực, do điều kiện kinh tế nên nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đến việc xây dựng lại nhà tiêu hợp vệ sinh. Cũng vì điều này mà khi đến các Trạm Y tế xã, căn bệnh chúng tôi thấy người dân mắc phải nhiều nhất chính là bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp… Trẻ em miền núi mắc phải căn bệnh này thường bị trướng bụng, còi cọc, trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đển tử vong. Vì vậy việc tuyên truyền về vệ sinh môi trường được các y tá đến từng nhà nhắc nhở, song đâu lại hoàn đó bởi kinh phí không có, người dân ngày ngày cặm cụi trên nương, rẫy, đâu có thì giờ chú trọng đến những điều kiện sinh hoạt tối thiểu trong nhà mình.
“Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, song song với việc phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, một vấn đề nên làm, và rất bức thiết cần được chú trọng, đó là việc quan tâm đến vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của mỗi người dân, mỗi gia đình. Khi các gia đình đều sạch sẽ, phong quang, thì xã, bản mới đổi thay về diện mạo được” – đó là lời của anh Hoàng Chí Tình – Phó Chủ tịch xã San Thàng (thị xã Lai Châu) khi nhắc đến xây dựng nông thôn mới ở xã này.
Bản Mới (xã San Thàng) cũng là một trong số ít những bản hầu hết các gia đình đã làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy chưa phải nhà nào cũng có nhà tiêu đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh sạch sẽ song chỉ riêng sự thay đổi trong nhận thức mỗi gia đình cũng đã góp phần làm môi trường xã, bản sạch, đẹp hơn nhiều.
Với một tỉnh miền núi như tỉnh ta, trình độ dân trí của người dân còn thấp thì từ những việc nhỏ như: xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng chuồng trại gia súc, gia cầm xa nguồn nước, nơi ở cũng cần phải có chiến lược lâu dài, bền vững. và việc xây dựng nông thôn mới mới sớm đạt được tiến độ đề ra. Nâng đời sống của người dân lên một mức mới: đó không chỉ là sự đổi mới về kinh tế, thay đổi diện mạo của một xã, bản, còn là thay đổi cách sống, đưa bà con tiến gần đến văn minh, giàu đẹp.
Mây Trắng
Bình luận