Thứ năm, 28/11/2024, 14:32 [GMT+7]

Sìn Hồ: Hướng thoát nghèo mới

Thứ hai, 16/07/2012 - 16:16'
(BLC) - Không còn tâm lý e ngại, đồng bào các dân tộc huyện Sìn Hồ đã bắt đầu hiểu rằng đi xuất khẩu lao động sẽ giúp gia đình, quê hương mình nhanh thoát nghèo. Nhận thức đó đang lan truyền khắp các bản làng và đang mở ra hướng thoát nghèo mới cho người nông dân.

Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, miệt mài trên nương nhưng đa phần các hộ gia đình nông dân vùng cao huyện Sìn Hồ cũng chỉ đủ ăn. Các chương trình, dự án của nhà nước đầu tư vào huyện đã phần nào làm thay đổi cuộc sống người dân và diện mạo bản làng. Thế nhưng, một tháng lao động cật lực trừ chi tiêu cũng ít người tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng, chứ chưa nói tích cóp được vài triệu đồng để làm giàu.

Cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Sìn Hồ tuyên truyền, vận động thanh niên bản Phăng Sô Lin II, xã Phăng Sô Lin tham gia xuất khẩu lao động.

Để giúp người nông dân ở các huyện nghèo nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu, Chính phủ đã có Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy nhanh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020 (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP). Đây là một chủ trương đúng, sát với nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ.

Thế nhưng, câu chuyện “hậu xuất khẩu lao động” – đổ vỡ của một số thị trường Trung Đông những năm qua đã làm cho nhiều lao động ở các địa phương sau thời gian làm việc ở nước ngoài về tay trắng và tâm lý ngại xa nhà đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân Sìn Hồ. Hễ cứ ai đề cập tới chuyện đi lao động ở nước ngoài hay tới vận động, tuyên truyền về chính sách xuất khẩu lao động là bà con lại gạt phắt và nói “không muốn đi”.

Cùng đi tuyên truyền, vận động với cán bộ huyện mới thấy cái khó của người làm công tác quản lý lao động và việc làm ở địa phương. Tại nhà Tẩn Lù Sân ở bản Phăng Sô Lin II, xã Phăng Sô Lin, khi chúng tôi tới chỉ có mình Sân ở nhà. Vẫn mời khách vào nhà uống nước, nhưng câu đầu tiên Sân nói “Đã nói rồi, không đi đâu!”.

Khi tôi chưa hiểu Sân nói gì thì Lê Trí Huynh – cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết đây là lần thứ 8 anh tới gia đình vận động. Bố Sân đã đồng ý đứng ra vay vốn và ủng hộ con đi xuất khẩu lao động, nhưng Sân thì chưa đồng ý vì ít tuổi, mới lấy vợ và còn ham chơi. Sau hơn một giờ đồng hồ giải thích và dùng phép so sánh thu nhập một tháng đi làm nương, ruộng và đi xuất khẩu lao động Sân đã đồng ý và hẹn ngày cán bộ đến hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục.

Đó là một trong nhiều trường hợp được cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sìn Hồ kiên trì, thuyết phục. Với phương châm “đến từng bản, gõ cửa từng nhà”, cán bộ huyện đã miệt mài với các văn bản chính sách trên tay. Từng “mảng màu” xuất khẩu lao động, từng câu chuyện vui của những người nông dân ở địa phương khác mang vài trăm triệu đồng về xây nhà, tậu trâu…

Sau nhiều tháng ngày dầm mưa, dãi nắng trên những con đường mòn về các bản, tín hiệu vui đã tới đến nay toàn huyện đã có gần 30 người dân đăng ký tham gia đi xuất khẩu lao động. Để bà con hiểu, tin, từ việc làm hồ sơ đến thủ tục vay vốn đều được cán bộ hướng dẫn tận tình và đôi khi làm thay.

Ông Tẩn A Xoang – Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sìn Hồ cho biết: Đến nay đã có 3 đợt “bay”, với 9 lao động và đa phần thuộc các hộ nghèo. Các lao động này đều đi sang Đài Loan làm thuyền viên với mức lương khởi điểm mà nhà tuyển dụng cam kết là 7 triệu đồng/tháng và ngày làm 8 giờ.

Đây là lần đầu tuyên kể từ khi tách tỉnh đến nay trên địa bàn huyện có người đi xuất khẩu lao động. Theo chính sách các hộ có người đi xuất khẩu lao động được vay tối đa 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và đều được tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng khi làm thủ tục vay. Tiền ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại trong quá trình làm thủ tục, học nghề đều được nhà nước hỗ trợ.

Các lao động đã đi xuất khẩu từ đầu năm đến nay đều thuộc các địa phương vùng cao trong huyện như: Làng Mô, Tà Ngảo, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, thị trấn huyện và là đồng bào Mông, Dao. Người tiên phong đi xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện là Chẻo A Toàn (dân tộc Dao) bay vào ngày 5/5.

Để biết rõ thêm về gia đình người đầu tiên – Chẻo A Toàn, chúng tôi tìm đến bản Tả Phìn, xã Tả Phìn. Trong ngôi nhà gỗ rộng chừng trên 70m2, ông Chẻo Hò Sơn (bố vợ Toàn) hồ hởi rót nước mời khách với vẻ mặt vui mừng.

Ông Sơn vui vẻ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện xuất khẩu lao động của con rể mình tại Đài Loan: “Gia đình Toàn nghèo lắm, đến khi lấy vợ cũng không có nổi túp lều chui ra chui vào, nên khi chúng nó cưới nhau thấy thương con gái tôi cho chúng về ở cùng nhà. Làm lụng mãi hai vợ chồng cũng không tiết kiệm được là bao. Hồi đầu năm nó về nói với tôi cho đi xuất khẩu lao động, ban đầu tôi cản nhưng thấy con quyết đi nên tôi đứng ra vay vốn cho nó đi. Cách đây mấy hôm thuyền cập bến, nó gọi điện về nhà báo là đơn vị sử dụng lao động đã làm thủ tục gửi tiền về và ít ngày nữa là gia đình nhận được”.

Cùng với việc chăm chỉ lao động, xóa đói giảm nghèo trên đồng đất quê hương mình, người nông dân Sìn Hồ hôm nay đã mạnh dạn bước đi trên con đường thoát nghèo mới – xuất khẩu lao động. Từ sự đổi thay nhận thức, họ mang bàn tay, khói óc của mình đi làm ăn nơi xứ người để mang về nguồn thu nhập chính, góp phần đưa bản làng mình tiến lên thôn mới.

 

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...