Về Khun Há hôm nay
“Con đường vào trung tâm xã dễ đi hơn nhiều rồi, các công trình trọng điểm như trụ sở ủy ban, trường học đã hoàn tất và đi vào quỹ đạo. Bây giờ, xã trông “bề thế” lắm…”, đó là lời khẳng định của chị Vũ Thị Hương, giáo viên trường Tiểu học Khun Há. Điều này, khiến cánh phòng viên chúng tôi nửa thực, nửa ngờ, bởi mới cách đây gần hai năm, vất vả lắm chúng tôi mới đặt chân tới Khun Há của huyện Tam Đường.
Đường về Khun Há
Vậy là, khoác ba lô trên lưng, chúng tôi một lần nữa đi vào vùng đất sơn cước hữu tình này. Trước đây, nếu điểm bắt đầu ở thị xã, những phóng viên chúng tôi thường đi tắt qua xã Bản Hon (thuộc địa bàn Tam Đường) để nhanh chóng vào trung tâm xã Khun Há. Mặc dù đoạn đường ngắn hơn đến chục cây số nhưng rất hiểm trở và khó đi, nên đối với nhiều người lựa chọn cách đi an toàn hơn là đi thẳng xuống trung tâm huyện Tam Đường rồi rẽ phải khoảng 15 cây số đường đất là đã tới nơi. Nhưng đó là với mùa khô, còn mùa mưa thì cũng đành “bó tay”.
Người dân xã Khun Há bảo quản ngô, thóc sau mùa vụ.
Còn giờ trở lại đây, dù là giữa cái nắng nóng của mùa hè hay những cơn mưa rả rích kéo dài hàng tháng trời của mùa mưa chúng tôi không còn bị ám ảnh bởi đoạn đường bụi mù mịt, đầy đá tai mèo ngổn ngang và đôi khi là những vũng bùn lầy, trơn trượt… Bởi, con đường kéo dài từ thị xã Lai Châu đi qua Bản Hon, Khun Há rồi tới thị trấn Tam Đường đã được triển khai thi công. Đó là điều đáng mừng không chỉ đối với bà con địa phương các xã mà còn là niềm vui nho nhỏ của những phóng viên vùng sâu, vùng xa chúng tôi.
Tiết trời tháng 5, nắng, nóng dường như lên đến đỉnh điểm. Nhưng lạ thay, lần này vượt qua những đoạn dốc cua ngoằn ngoèo, chúng tôi vẫn cảm thấy như vừa mới bắt đầu đi. Từ trên cao nhìn xuống lưng chừng các triền núi, những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn và những nương ngô mà bà con tận dụng chút đất ít ỏi để "trỉa hạt”, đã tạo ra bức tranh thiên nhiên của vùng đất này càng nổi bật, sinh động, đẹp đến lạ kỳ. Đi gần tới trung tâm xã, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà gỗ của người Mông mọc san sát, quần tụ. Ở đâu đây, chúng tôi đã nghe tiếng học sinh đùa vui trong giờ nghỉ giải lao giữa buổi, tất cả những điều ấy đã đủ làm tan đi sự mệt mỏi sau chặng đường dài. Nhìn đồng hồ mới thấy chúng tôi đã “cập bến” nhanh hơn những lần trước đến Khun Há hơn 30 phút, vậy thì khi con đường được hoàn thiện chẳng mấy chốc đã dễ dàng tới nơi rồi...
Diện mạo mới
Niềm vui mừng này chưa hết, niềm vui khác đã tới khi chúng tôi được “mục sở thị” khu trụ sở UBND, trường học, trạm y tế được xây dựng khá quy mô và khang trang. Tiếp chúng tôi tại hội trường UBND xã, Chủ tịch xã Khun Há – Cứ A Sử phấn khởi nói: “Đối với hơn 4.000 người dân trong xã đây là niềm vui rất lớn. Những mong mỏi về điện, đường, trường, trạm bao nhiêu năm qua nay thành hiện thực”.
Còn nhớ, cách đây chưa đầy 2 năm, cơ sở hạ tầng trong xã hầu như không có gì, xã có một trục đường giao thông chính rẽ thành 2 ngã để nối liền với bên ngoài nhưng chỉ đi lại bằng đường đất và qua suối, đấy là chưa nói đến đường liên thôn, liên bản mùa mưa đến gần như chỉ có đi bộ. Các trường tiểu học, THCS đôi khi phải dùng chung vì cơ sở vật chất vừa chật hẹp, thiếu phòng học, đặc biệt trường mầm non phải mượn tạm 4 nhà văn hóa của các bản: Can Hồ, San Phàng cao, Ngài Thầu thấp, Chu Khèo cao và Lao Chải 1. Đến trụ sở làm việc của UBND xã cũng chỉ như những phòng làm việc tạm bợ với trăm bề thiếu thốn...
Nhưng giờ đây Khun Há đã thực sự "thay da đổi thịt". Đến nay, xã đã được hỗ trợ hoàn thiện xây dựng trụ sở UBND xã khang trang, đồng bộ, 4/14 bản đã bê tông hoá gần 1,5km đường giao thông nội bản, cứng hoá nhiều tuyến kênh mương phục vụ sản xuất. Địa phương cũng đã hoàn thiện 3 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới bao gồm quy hoạch chung, bưu điện và thủy lợi. Công tác y tế được triển khai có hiệu quả tại địa bàn, góp phần nâng cao ý thức phòng bệnh, giúp người dân bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu trong cuộc sống thường ngày. Cái lý của người Mông ở Sín Chải "đẻ nhiều để có người phát rẫy làm nương”, "bệnh tật, ốm đau là do ma rừng” đã không còn nữa.
Vui hơn cả đó là hệ thống điện lưới quốc gia đã về tới xã. Giấc mơ có điện - điều mà bà con nơi đây hằng mong mỏi giờ đã thành hiện thực. Công trình điện lưới nông thôn vượt qua hơn 40km dẫn điện về xã đã đưa văn minh đến với người dân. Cũng có lẽ nhờ có điện, được tiếp xúc với nhiều loại hình truyền thông như loa, đài, tivi, bà con đã học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất.
Với những cô giáo vùng cao như chị Hương, điều đặc biệt nhất vẫn là hệ thống trường lớp đã được xây dựng hoàn chỉnh, đó là động lực để biến ước mơ, khát khao được theo đuổi "cái chữ” của con em người dân trong xã nhanh chóng thành hiện thực. Học sinh ở những bản xa xôi phải đi bộ từ ngọn núi này tới con suối khác đến vài tiếng đồng hồ như bản Lao Chải 1, 2; Ma Sao Phìn cao… cũng gùi gạo, củi đủ dùng cho những tháng ở lại những khu bán trú dân nuôi, hoà nhập vào phong trào "rời non học chữ” đang phát triển mạnh nơi đây.
Trong câu chuyện trao đổi cùng chúng tôi, ông Sử cho rằng: “Khun Há thay đổi như hôm nay phần lớn nhờ vào những chương trình, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Các chương trình trọng điểm như 135, 167... đã giúp xã có những bước chuyển mình, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xã mình”.
Trước đây, kinh tế của bà con trong xã chỉ dựa vào cây ngô, lúa nương với lối du canh, du cư, diện tích nhỏ hẹp, manh mún, cho năng suất thấp. Hiện nay, bà con đã biết áp dụng những phương thức tiên tiến hơn trong sản xuất, các giống lúa có chất lượng cao như Séng cù, Bắc thơm, Hương thơm đã được triển khai trồng rộng rãi trong toàn xã. Người dân đã biết thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm không để dịch bệnh lớn xảy ra nên tốc độ tăng trưởng được giữ vững mức 5 -6 %năm. Đời sống của bà con bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt.
Đi trên những con đường nhựa dẫn tới trung tâm xã cũ, nhìn những mái nhà lợp prôximăng ngày càng nhiều, các công trình vệ sinh, nước sạch được nhiều hộ dân sử dụng, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Nhìn về phía những cánh rừng xa tít tắp, chúng tôi dường như cũng cảm nhận được cái mùi của thảo quả, của san tra (táo mèo) và măng tre bát độ lẫn trong những cơn gió chiều. Được biết, hiện nay toàn xã có 360ha cây thảo quả, trong đó có 60% diện tích đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 30 – 40 tấn quả khô. Riêng với hai loại cây như măng tre bát độ (9ha) và san tra (10ha) xã đã bắt đầu triển khai tại nhiều điểm bản như Sin Chải, Can Hồ, Lao Chải 1, 2. Đây cũng sẽ là những cây đang có những tiềm năng kinh tế lớn của xã.
Chúng tôi rời xã những bản làng đang chìm dần trong sương đêm và hơi núi. Ánh điện dành cho một buổi tối ấm cúng của bà con đã bắt đầu bật sáng, tiếng tivi hòa trong những tiếng cười lanh lảnh của trẻ em dường như vẫn văng vẳng theo chúng tôi suốt chặng đường về. Tất cả đó chỉ để khẳng định một điều: Trang ấm no đã về với Khun Há.
Thanh Hiền
Bình luận