Thăng Long - Hà Nội: Văn hoá Việt hội tụ và toả sáng
Với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, Thăng Long - Hà Nội vẫn lưu giữ trong mình những di tích, di sản văn hoá vô cùng quý giá. Để hôm nay, mỗi người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung luôn tự hào với du khách, bạn bè quốc tế khi nhắc đến lịch sử, văn hoá của Thủ đô anh hùng.
Trở về Thủ đô Hà Nội những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp đến tham quan ở các di tích lịch sử, di sản văn hoá của kinh thành Thăng Long xưa như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, đền Bạch Mã... Tại đây, chúng tôi được tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của kinh đô Thăng Long nước Đại Việt năm xưa gắn liền với nền văn hoá Kẻ chợ xuyên suốt từ đời này sang đời khác.
Mốc lịch sử quan trọng của Thăng Long - Hà Nội là năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn - vị vua đầu tiên của triều Lý ban “Chiếu dời đô” quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Với đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà có thể thấy việc dời đô của vua Lý Công Uẩn đã mở đầu cho sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội; góp phần xây dựng nền văn hiến dân tộc Việt, đặc biệt là văn hiến Thăng Long. Bởi từ đây, nhiều công trình kiến trúc thành luỹ, cung điện, chùa chiền được xây dựng; các phố phường nơi sản xuất và buôn bán sầm uất hình thành, tất cả đã hoà quyện với thiên nhiên tạo nên kinh thành nhộn nhịp.
Thăng Long với kiến trúc 3 vòng thành bao bọc nhau và kết cấu trong thành ngoài thị. Vòng thành ngoài cùng gọi là La thành (Kinh thành) được giới hạn bằng 3 con sông: Hồng, Tô Lịch và Kim Ngưu; nơi đây vùng đất rộng rãi để nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán phát triển và nơi cho các quan lại lập dinh thự. Vòng thành giữa là Hoàng thành và vòng thành trong cùng gọi là Cung thành - là nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia.
Từ khắp các làng xã, thương nhân, thợ khéo tay “mang theo quê hương” nào là đặc sản, tinh hoa văn hoá của các vùng quê đổ về kinh đô để góp phần làm giàu đẹp thêm cho mảnh đất kinh kỳ và dần dần tạo nên văn hoá kẻ chợ. Văn hoá kẻ chợ được thể hiện qua cách đi lại, ứng xử, giao tiếp khuôn phép, lịch sự hơn giữa thương nhân, thợ nghề với nhau và giữa họ với những quan binh, tướng lĩnh. Và điều quan trọng, là những thợ nghề, thương nhân ấy luôn cần cù, chăm chỉ làm việc, ganh đua, thi tài để có những sản phẩm đẹp nhất đáp ứng thị trường, khẳng định vị thế trong xã hội.
Cũng chính từ mảnh đất trung tâm và hội tụ của Thăng Long mà ngày càng xuất hiện những thánh hiền, anh hùng, danh nhân nổi tiếng của dân tộc như: Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Thánh Tông, Phan Phu Tiên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Văn Siêu (Nguyễn Siêu)… Năm 1070, Văn Miếu được xây dựng dưới triều Lý, sau này có thêm Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên, đào tạo tri thức của nước Đại Việt. Qua các triều đại Trần, Lê, Mạc, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn, thời đại nào cũng coi dân trí, dân khí, văn hiến, trọng dụng hiền tài bởi “hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”.
Anh Nguyễn Khắc Văn - Chuyên viên Khu di sản Hoàng thành Thăng Long phấn khởi: Được sinh ra và lớn lên trên ở đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, nhất là khi làm việc ở Khu di sản này, tôi thêm tự hào, trân quý về những giá trị lịch sử, văn hoá của đất Kinh kỳ. Nơi tôi sống từng là kinh đô của cả nước, nơi văn hoá các miền quê hội tụ.
Đã hơn một nghìn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ và toả sáng tinh thần yêu nước, yêu hoà bình, đoàn kết và khát vọng vươn lên, nơi sản sinh những anh hùng, hào kiệt của dân tộc.
Qua tham quan thực tế, nghe thuyết minh về các điểm di tích lịch sử, khu di sản, chúng tôi thấy rằng dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhưng những giá trị văn hoá, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên. Đó là các kiến trúc cổ đời xưa để lại; là hiện vật thể hiện văn hoá độc đáo của mỗi triều đại qua viên gạch, ngói, đồ gốm, “bảo vật quốc gia” - Bát sứ ngự dụng Hoàng thành Thăng Long; khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với những chiếc giếng cổ, di vật quý hiếm nghìn năm được khai quật từ lòng đất.
Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi còn được tham quan di tích lịch sử - cách mạng nhà D67 gắn với hoạt động của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Đây là dấu ấn quan trọng của thời kỳ lịch sử cách mạng, nối tiếp truyền thống văn hiến, anh hùng của Thăng Long Hà Nội.
Tại nơi này, chúng tôi được nghe về cuộc sống giản dị của vị Đại tướng anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp; những quyết sách, chủ trương đúng đắn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, mà trọng điểm lúc bấy giờ là chiến trường miền Nam và chiến trường các nước Đông Dương để rồi toàn quân ta đánh thắng nhiều trận đánh lớn như: Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, cuộc tập kích bằng B.52 của không quân Mỹ vào Thủ đô Hà Nội cuối năm 1972… Và ý chí, tinh thần thép của Đại tướng tài ba Văn Tiến Dũng, người đã góp phần quan trọng đánh bại chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc, làm nên chiến thắng vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; cũng chính Đại tướng là người đã phát minh ra chiếc mũ lưỡi trai mềm để che nắng cho bộ đội ta chiến đấu.
Rời Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi đến nhà tù Hoả Lò - một “chứng nhân lịch sử” của Hà Nội, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” thời thực dân Pháp ngự trị và cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nhà tù Hoả lò được thực dân Pháp xây dựng năm 1896, có tổng diện tích là 12.908m2 được chia thành bốn khu (A, B, C và D). Tại đây, nhà cầm quyền thực dân áp dụng chế độ nhà tù hà khắc, dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn hiểm độc nhất, đánh đập dã man các tù nhân là những chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam. Nào là găng tay đấm bốc, can xăng, máy quay điện, máy chém, cùm sắt… Từ trong gian khổ khắc nghiệt, hy sinh ấy, những con người cộng sản kiên trung với ý chí kiên cường, bất khuất và tinh thần yêu nước, họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng. Để rồi, những tù nhân cách mạng Hoả Lò có những cuộc vượt ngục thành công trở về với nhân dân, tiếp tục tham gia cách mạng, góp phần vào cuộc kháng Nhật và khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám 1945.
Ông Trần Văn Mạo - Ông nội của em Phong (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Dịp hè này tôi đưa các cháu đến tham quan nhà tù Hoả Lò để biết nơi chiến sĩ cách mạng bị tù đày, cầm giam và ý chí của những người bộ đội Cụ Hồ, luôn tin tưởng vào Đảng, cách mạng. Qua đây, các cháu tôi hiểu được giá trị về tinh thần đấu tranh kiên cường của cha ông, lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, từ đó, nêu cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại nhà tù, tôi biết thêm được sự đối đãi nhân đạo của Đảng, nhà nước, Bác Hồ với những phi công Mỹ khi bị giam ở đây.
(Còn nữa)
Đinh Đông - Ngọc Duy
Bình luận