Thứ ba, 03/12/2024, 08:05 [GMT+7]

Đối mặt với “tử thần”, hồi sinh cho đất

Thứ ba, 23/11/2010 - 17:13'
(BLC) - Sau gần 4 tháng (từ ngày 1/7 - 20/11) băng rừng, vượt núi đối mặt với vô vàn gian nan, vất vả và nguy hiểm… cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đại đội 17 - Công binh (Bộ CHQS tỉnh) đã biến 54ha “đất chết” thành “đất sạch”; dò tìm và tiêu hủy an toàn hơn 200 quả bom, mìn các loại, hồi sinh cho đất.
CBCS Đại đội 17 dò phá bom mìn tại xã Pa Ủ (huyện Mường Tè).

Vượt qua quãng đường hơn 400km, sau một ngày hành quân vất vả trèo đèo, lội suối… và khi con gà đã lên chuồng thì hơn 60 CBCS Đại đội 17 – Công binh mới có mặt tại trung tâm xã Pa Ủ (huyện Mường Tè). 4 giờ 30 phút sáng hôm sau (ngày 2/7), các anh lại tiếp tục hành quân bộ với 40km đường còn lại để đến điểm cuối cùng là bản Hà Xi, xã Pa Ủ làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật cản theo Dự án 120 (Dự án phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt Trung).

Thiếu tá Nguyễn Bá Thắng - Trưởng ban Công binh (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: “Mặc dù còn lưu trữ những tiêu đồ, bản đồ bố trí bãi mìn, nhưng sau mấy chục năm, hàng nghìn quả bom, mìn còn lại do những biến động địa chất, mưa lũ, sạt núi, trôi đất… nên đã biến đổi so với thực tế rất nhiều”.

Quan sát chúng tôi thấy CBCS trong đơn vị nhanh chóng triển khai theo đúng quy trình rà phá với bước đầu tiên là phun dầu, đốt. Chờ khi ngọn lửa tắt hẳn, tổ phát tuyến dùng những con dao phát cán dài phát rạp những thân cây còn sót lại, rồi nhường chỗ cho bộ phận dò theo đường phát tuyến. Các đường băng ăn sâu vào trong khu vực bãi mìn chia triền đồi thành từng lô riêng biệt.

Các CBCS trong bộ phận dò dùng máy dò mìn MINILAB, TC 91, máy dò bom VALLON, thận trọng tiến sâu vào “khu cấm địa”, đưa cần dò lần lượt từ gần đến xa, từ trong ra ngoài, vệt dò sau chồng lên vệt dò trước đúng 1/3… Những động tác chính xác như vậy là kết quả của những tháng ngày miệt mài rèn luyện trên thao trường và những buổi tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn, nghiêm túc tại đơn vị của CBCS.

Giữa bãi “chiến trường” các CBCS phải căng mắt để quan sát, căng tai để bắt tín hiệu, căng óc phân tích, phải tập trung cao độ cảm giác của chân bước, của tay cầm cần dò. Bởi chỉ một tín hiệu mơ hồ bị nhầm lẫn, bị bỏ qua có khi phải trả giá bằng sinh mạng của mình hoặc đồng đội. Căn cứ theo các vị trí đã đánh dấu, bộ phận xử lý bắt đầu công việc, trước hết là nhẹ nhàng lật lớp cỏ, bới lộ mặt “tử thần”.

Đây là công việc không đơn giản, bởi những biến động của thiên nhiên đã làm đa số mìn không còn ở vị trí ban đầu, đặc biệt khi gặp các loại mìn chống xe tăng như mìn TM41, TM57, đáy mìn thường gài bẫy, những biến động địa chất khiến mặt mìn nghiêng lệch, bẫy có nguy cơ được giải phóng, gây thương vong khi chỉ một chút chủ quan.

Tôi bắt gặp khuôn mặt đẫm mồ hôi của trung úy chuyên nghiệp Phạm Trọng Kiên khi anh đang tập trung cao độ, hớt dần từng lớp cỏ, từng lớp đất mỏng đặt sang một bên như một bác sĩ đang giải phẫu, rồi nằm rạp xuống để xác định "khối u" trong lòng đất. Mồ hôi thấm đẫm bộ quân phục dã chiến, nhưng niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt anh, bởi lẽ “tử thần” đã bị anh vô hiệu hóa. Phía bên kia đồi, bộ phận phá mìn đang thực hiện công việc cuối cùng là tiêu hủy bom, mìn bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Sau một buổi sáng làm việc vất vả, tiếng còi báo hiệu đã đến giờ nghỉ trưa, nhìn những chiến sĩ vừa bước ra từ bãi mìn, áo quần còn lấm lem bụi đất vô tư nói cười, chúng tôi cũng vui lây.

Buổi chiều, vẫn những công việc quen thuộc, nhưng tại vị trí này với nhiều khe sâu, đất đá, công việc của CBCS Đại đội 17 sẽ khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Có khi tín hiệu vang lên rất rõ mà tìm mãi không thấy, có thể “tử thần” ở mỏm đá ngay trên đầu cũng có thể ở dưới gốc cây, hoặc dưới khe sâu, mà mất rất nhiều thời gian CBCS mới dò tìm ra và đem tiêu hủy.

Mặt trời đã gác núi, còi trực ban báo lệnh thu quân. Các CBCS công binh lỉnh kỉnh những khí tài, với những bước chân chắc nịch hòa trong tiếng nói cười, trở về đơn vị. Vậy là lại thêm một vùng đất chết được hồi sinh.

Thế Thành

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...