Thứ năm, 28/11/2024, 12:21 [GMT+7]

Biên cương thắm đượm tình quân - dân

Thứ năm, 14/11/2024 - 15:30'
Sinh thời, nói đến mối quan hệ quân - dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội” bởi bộ đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Lời Bác căn dặn đã tạc vào núi sông, vào tâm trí, nhận thức của mỗi người dân Việt Nam nói chung, chiến sỹ quân đội nói riêng. Đó là hành trang để lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) Lai Châu xây dựng thế trận lòng dân, vun đắp mối quan hệ quân - dân bền chặt, thắm đượm trên mỗi dải đất biên thùy.

Kỳ 1: Trọn lời thề

Suốt hơn 2 thập kỷ qua, hình ảnh người lính quân hàm xanh trên khắp các dải biên cương của tỉnh Lai Châu “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, âm thầm cống hiến và hy sinh tuổi thanh xuân để đổi lấy bình yên cho Tổ quốc. Dù đứng chân nơi hiểm địa, gian khó trăm bề, những người lính mang quân hàm xanh của Lai Châu luôn giữ trọn lời thề với Đảng, Bác Hồ, nhân dân, kiên trung bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Có dân, bộ đội thêm sức mạnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Chỉ có đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, dựa vào dân, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt thì “Bộ đội Cụ Hồ” mới có được những thuận lợi trong chiến đấu, công tác, sản xuất cũng như trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Cách xa dân, không gắn bó với nhân dân, không liên hệ mật thiết với nhân dân, không dựa vào dân thì “Bộ đội Cụ Hồ” không thể có sức mạnh, không thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đối với Lai Châu - nơi có 20 dân tộc cùng sinh sống. Ở xa trung tâm, địa hình gập ghềnh, giao thông cách trở nên đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân khu vực biên giới. Thế nên cùng với quản lý, bảo vệ đường biên mốc giới, những người lính biên phòng của tỉnh luôn gần dân, sát dân, lo cuộc sống cho dân, xây dựng “thế trận lòng dân”. Đây là quan điểm xuyên suốt trong đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đúng với phương châm: Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia.
Với tinh thần đó, BĐBP tỉnh luôn thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng, đó là “dựa vào dân, lấy dân làm gốc; nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”. Vì “dựa vào dân, lấy dân làm gốc” nên công tác vận động quần chúng được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp với các chương trình, mô hình cụ thể để đồng hành với nhân dân khu vực biên giới (KVBG) như: “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”; “Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản”; “Trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ”. Trong đó không thể không kể đến chủ trương tăng cường lực lượng BĐBP củng cố hệ thống chính trị các xã vùng biên.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) giúp người dân vận chuyển vật liệu dựng lại nhà sau ảnh hưởng của mưa bão.

Đại tá Lê Công Thành - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có hàng thập kỷ “3 bám, 4 cùng” với nhân dân nơi biên giới tham gia công tác dân vận cùng lực lượng. Những bước chân anh đã từng mòn bao con dốc ở bản xa nhất của xã Thu Lũm (huyện Mường Tè). Thế nên khi được hỏi về “dân vận”, anh đầy trải nghiệm: “Để gần sân, sát dân và lo được cho dân, mỗi người chiến sỹ biên phòng phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc của bà con. Chúng tôi không hổ thẹn với chính mình vì gian khổ bao nhiêu cũng không sờn lòng, lùi bước, thực hiện được những điều mà Bác Hồ đã dạy người lính Cụ Hồ: “Khi mình chưa đến thì dân trông mong; khi mình đến thì dân giúp đỡ; khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”.

Hơn cả chữ “thương” và “trách nhiệm

Những đứa trẻ ở bản xa trung tâm ở KVBG không có người cắt tóc, cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Đồn Biên phòng Pa Tần (huyện Sìn Hồ) có mặt; rau xanh an toàn cho mỗi bữa cơm bán trú của học sinh vùng biên đã có bàn tay chăm bón mỗi chiều của CBCS Đồn Biên phòng Huổi Luông (huyện Phong Thổ); những ruộng lúa chín đã có bàn tay của những người lính Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) nhanh tay gặt hái, khuân vác, chở về tận nhà giúp bà con. Mùa mưa bão, những ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở, hư hại, tài sản bị cuốn trôi, những người lính biên phòng lại tức tốc lên đường khi nhận được tin báo, đến giúp đỡ bà con, quên đi đêm hôm, hiểm nguy rình rập ở những địa hình đồi núi. Rồi những mái ấm tình thương cho người nghèo, đặc biệt khó khăn hay trẻ mồ côi đã có các bác, các chú BĐBP cắt móng tay, cắt tóc, chỉ bảo cách vệ sinh cá nhân sao cho sạch sẽ. Chưa hết, họ còn đóng góp tiền, nhận nuôi để những đứa trẻ ấy viết tiếp những ước mơ còn dang dở và cũng để bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi trong cuộc sống. Những khi tết đến, xuân về, đồng bào nơi biên giới không còn lo thiếu bánh chưng, kẹo, mứt… vì đã có nhiều đoàn công tác vượt hàng trăm cây số mang hơi xuân đến với bà con.
Không thể nói hết, kể hết những việc làm bắt đầu từ những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng ấm áp, nhân văn của người lính biên phòng Lai Châu. Theo số liệu chúng tôi được biết, từ năm 2021 đến nay, các đồn biên phòng đã tổ chức cắt tóc miễn phí cho trên 5.200 học sinh và người dân địa bàn khu vực biên giới. Chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trực tiếp kêu gọi, ủng hộ và trao những “Mái ấm tình thương”, quà; tổ chức khám bệnh… cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học, nhân dân KVBG với tổng trị giá hơn 6,6 tỷ đồng. Còn với chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” được lực lượng BĐBP tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến nay, CBCS đã tự nguyện đóng góp hơn 4,3 tỷ đồng thực hiện chương trình. Song song với đó là kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng 65 phòng ở bán trú, phòng học, bể nước sạch, sân chơi cho các trường với trị giá lên tới chục tỷ đồng; tổ chức “Gian hàng 0 đồng” giúp đỡ bà con những lúc thiếu thốn.
Từng nếm trải bao nhiêu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy giữa sương nắng biên thùy, lực lượng BĐBP Lai Châu luôn có điểm tựa tinh thần để vượt qua đó là 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam; có nhân dân biên giới luôn đồng hành, hỗ trợ, chở che; có cấp ủy, chính quyền ghi nhận, động viên, khích lệ. Những người lính mang trên vai trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, luôn mưu trí, sáng tạo, tự lực tự cường, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ Đảng, nhà nước, bảo vệ nhân dân, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc bởi đó là tài sản vô cùng quý báu mà bao thế hệ đã không tiếc máu xương dày công gìn giữ, vun đắp.

Tỉnh Lai Châu có 211 bản của 22 xã thuộc 4 huyện biên giới gồm: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè. Đến nay, tại 4 huyện biên giới đã có 88 tập thể, 534 hộ gia đình, 704 cá nhân đăng ký tự quản 235.508km đường biên, 86 mốc quốc giới; có 203 tổ tự quản an ninh trật tự với 1.219 thành viên. Trong năm 2024, có 1.212 lượt công an, dân quân và nhân dân tham gia tuần tra biên giới 606 lần. Nhân dân tham gia tố giác 23 vụ với 31 đối tượng phạm tội. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Huyện ủy 4 huyện biên giới lựa chọn, đề nghị cấp trên chỉ định 4 cán bộ đồn biên phòng tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; chỉ định 18 cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy xã biên giới (2 Bí thư Đảng ủy xã, 9 Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, 7 Phó Bí thư Đảng ủy xã)...

(Còn nữa)

Bạch - Vương - Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...