Lặng lẽ xanh
Kỳ 2: Trên những nẻo đường biên cương
Dặm dài biên ải
Nghĩ rằng không bao giờ có thể đặt chân được đến nơi địa bàn xa nhất của biên giới Lai Châu, nhưng sự thật đã hiện hữu trước mắt chúng tôi giữa những ngày trung tuần tháng 8 vừa qua. Từ sáng sớm, đoàn phóng viên vượt 200km từ thành phố Lai Châu vào đến xã Thu Lũm (huyện Mường Tè) lúc 3 giờ chiều. Vùng biên giới hiện ra trên độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, hơi lạnh xâm chiếm với mây giăng ngút trời, không nhìn thấy núi. Mây ở đây lạ lắm, mới đó thấy mịt mù, ngay trước mặt, tưởng như có thể chạm tay, nhưng chỉ lát giây thôi, có thể tan biến ngay được. Cứ như thế, vào tiết thu mà trời âm u với số lần lặp lại liên tiếp trong ngày. Còn mùa đông thì mây, sương mù che phủ lối đi, mặt người ở phía trước vẫn phải chớp mắt nhiều lần mới nhận ra. Câu chuyện ấy chúng tôi được nghe trong những lời đồng nghiệp kể, và bây giờ ở trước mắt, có thật.
Sau gần 30 năm công tác, Thiếu tá Lý Văn Hướng (Đồn Biên phòng Pa Ủ, huyện Mường Tè) được người dân đồng hành trong công tác tuần tra biên giới và tin tưởng trao gửi tâm tình.
Ban lãnh đạo Đồn Biên phòng (ĐBP) Thu Lũm đều có làn da rám nắng, nụ cười hóm hỉnh và chân thật đón chúng tôi bằng cái nắm tay thật chặt, ấm áp giống như đón những người thân trở về với sự nồng nhiệt hiếm thấy. 6 giờ đồng hồ ngồi trên ôtô, tưởng như đã đủ mệt mỏi rã rời sau tuyến đường dài đằng đẵng chỉ có mây núi trập trùng, thế nhưng ai trong đoàn cũng phấn chấn lạ thường. Sau phút nghỉ ngơi là bữa cơm chiều ấm cúng thịnh soạn, chu đáo nhờ nguồn thực phẩm dồi dào từ tăng gia của bộ đội. Chúng tôi được trò chuyện, hỏi thăm và chia sẻ với những gian lao, vất vả, hy sinh của những người lính biên cương. Trong ánh mắt cảm phục, chúng tôi càng hiểu, càng thấu những gì chiến sỹ và đồng bào nơi đây đã trải qua để trấn giữ, canh gác cửa ải cho bình yên đất nước lớn đến thế nào.
Sau một đêm nghỉ lại ở đồn, sáng sớm hôm sau đoàn phóng viên theo các anh lên thăm cột mốc số 25 do đơn vị quản lý. Quãng đường hơn 10km gồm đường tuần tra kết hợp dân sinh đã được Nhà nước đầu tư chưa hoàn thiện, nhưng cũng chẳng dễ đi chút nào. Địa hình gấp khúc, hiểm trở, độ dốc cao, đá sạt từ trên núi xuống khiến nhiều đoạn ngổn ngang… nhiều đoạn anh em phải dắt bộ xe máy. Nhiều đoạn, tán cây rừng phủ kín lối, chúng tôi đi trong mịt mờ hơi sương và ẩm thấp; có đoạn đường bê-tông phẳng lỳ nhưng như cái bẫy giăng ra, có thể trơn trượt bất cứ lúc nào. Một phóng viên trong đoàn đã được “nếm trải” bằng cú ngã nhẹ, may sao không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Sau một ngày trải nghiệm chuyến tuần tra với các chiến sỹ của đồn, chúng tôi phải nói lời chia tay Thu Lũm để trở về Ka Lăng với tâm trạng đầy luyến tiếc. Cũng nồng hậu như mảnh đất đã đi qua, Đại úy Vũ Văn Công - Phó Đồn trưởng ĐBP Ka Lăng tủm tỉm, trêu đùa: “Các cô gái trải qua mấy khúc cua và mấy chỗ sạt rồi mà còn tươi tắn thế! Có phải “chẻ đôi núi” mà đi không?”. Chúng tôi cười và “thấm” cái khó khăn của vùng núi hiểm trở khắc nghiệt mà người lính nơi biên thùy đang nếm trải.
Ka Lăng là xã biên giới đặc biệt của huyện Mường Tè bởi là nơi đánh dấu dòng chảy của sông Đà huyền thoại vào đất Việt. Từ ngã ba Nậm Lằn đi thêm gần 20km mới đến được Trạm Kiểm soát Biên phòng Kẻng Mỏ, sau đó qua cầu treo, đi xuyên một đoạn đường rừng mới đến cột mốc. Đường vào trạm như một ma trận thử thách lòng người với lối đi quanh co, rừng sâu ẩm ướt.
Đồn Biên phòng Ka Lăng quản lý, bảo vệ 28,642km đường biên giới gồm 4 mốc quốc giới (18(2), 34, 35, 36); 1 lối mở và nhiều đường qua lại biên giới. Quản lý 2 xã: Ka Lăng (8 bản), Tá Bạ (6 bản), 1.054 hộ/4.633 nhân khẩu; gồm 2 dân tộc chủ yếu là Hà Nhì và La Hủ. Thế nên song song với canh giữ vùng biên, những chiến sỹ biên phòng nơi đây còn “gánh vác” thêm nhiệm vụ bảo vệ, đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ để những đồng bào ít người yên tâm bám bản, bám rừng, sinh sống, gìn giữ giống nòi, đơm hoa kết trái.
Những nơi như: Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Ủ hay Tá Bạ, Mù Cả (huyện Mường Tè) mà chúng tôi đi qua đều là đường xa vạn dặm và tất cả những cột mốc mà người lính biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ trên địa bàn 4 huyện biên giới của tỉnh Lai Châu cũng đều xa thẳm như vậy. Đó là trách nhiệm vô cùng nặng nề và gian truân mà mỗi đồng chí phải vượt qua để làm tròn nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào.
Những “mắt núi” canh giữ chủ quyền
“Em ơi em đất nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó san sẻ/Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/Làm nên đất nước muôn đời” - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết những câu thơ trong bài thơ “Đất nước” không chỉ là lời tự nhủ của bản thân, mà như là lời hiệu triệu về tình yêu đất nước; lời nhắc nhở, gửi gắm những chiến sỹ biên phòng trên khắp đất nước Việt Nam. Ở Lai Châu, những người lính vượt núi ngàn khe, vào nơi thâm sâu cùng cốc, dáng hình các anh đã hóa thân cho xứ sở quê hương mà chúng tôi được gặp, được trò chuyện thật đáng ngưỡng mộ và kính phục biết bao.
Thiếu tá Lý Văn Hướng (nhân viên quân y ĐBP Pa Ủ) là người dân tộc Giáy, sinh ra và lớn lên ở bản Giẳng (xã Mường Tè, huyện Mường Tè) - nơi gắn liền với câu chuyện của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị thực dân Pháp lưu đày đến đây. Hơn 30 năm công tác, Thiếu tá Hướng đã cống hiến sức xuân, tuổi trẻ và bây giờ là gần nửa đời người cho những ĐBP xa xôi, khó khăn nhất. Làm nhiệm vụ quân y song anh vẫn cùng đồng đội vượt núi, băng rừng tuần tra biên giới theo kế hoạch hằng tuần, hằng tháng trên những cột mốc khó có “một không hai”.
“Có một lần đội tuần tra chúng tôi bị lạc đường sang đất bên bạn do đêm tối, đèn pin cạn kiệt năng lượng. Chúng tôi không thể nhìn thấy nhau và lương thực, thực phẩm đã hết. Anh em không thể ngủ nổi, thức cùng nhau chờ cho trời mau sáng để xác định được hướng núi và lần ra lối đi. Đó là kỷ niệm nhớ mãi trong những lần tuần tra biên giới” - Thiếu tá Hướng kể.
Những người lính Đồn Biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè) được bà con tin yêu.
Những cột mốc do ĐBP Pa Ủ bảo vệ đều ở những vị trí hiểm trở, khắc nghiệt nhất. Mỗi đợt tuần tra, anh em trong đội phải mất 4 ngày và toàn bộ đường dốc cao, vực sâu. Ở những dãy núi có độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, nhiệt độ lạnh nhưng nguồn nước không có nên anh em phải ngủ lại ở rừng. Không có nước nấu cơm, mưa thì củi ướt nên nhiều chuyến tuần tra các đội phải ăn đồ khô thay cơm. Mùa rét, trời khô hanh, mây mù, không có đường mòn, lối mở, các anh phải rẽ cây mà đi hoặc đánh dấu trên thân cây để không bị lạc. Thời điểm chuyển mùa, vào tháng 3, tháng 4, các đội tuần tra vất vả nguy hiểm gấp bội phần do những cơn mưa đá, gió lốc, sấm sét. Nhiều cây to gần cột mốc đã chết khô là dấu vết của mỗi lần thiên lôi giận dữ. Mùa lạnh không thể căng bạt ngủ trong rừng vì hơi lạnh thấu xương, có đêm phải ngủ đứng, san sẻ hơi ấm cho nhau. Có đoạn phải đu dây qua những vách đá, nguy hiểm bủa vây rình rập đến sự an toàn của từng người. Đó còn chưa kể rắn rết, côn trùng đều là những sinh vật “không thể thiếu” trên những cánh rừng nguyên sinh.
Canh giữ chủ quyền ở điều kiện bình thường đã khó, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn gian nan hơn bội phần. Do quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, các tổ, chốt biên phòng trên địa bàn tỉnh vừa phải kiểm soát người ra vào trên đường bộ, nhưng có đơn vị phải kiểm soát thêm trên đường thủy. Các anh vừa phải ứng phó với “giặc dịch”, vừa chống chọi với thời tiết mưa đá, gió lốc, mưa dầm… Nhiều chốt dựng tạm lán trại nhưng gió to, tốc mái, các cán bộ, chiến sỹ cơm không có chỗ nấu, điện không có vào ban đêm, bữa ăn chỉ là những gói mì tôm sống hoặc lương khô… Gian khổ là vậy, nhưng nhiệm vụ thiêng liêng và lời thề với Tổ quốc, nhân dân, những người lính khó không buông, gian nan không nản, quyết giữ chốt, canh chừng không để xảy ra trường hợp xuất nhập cảnh trái phép nào. Kiên cường bám trụ, thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm cao cả, có những người lính đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, đó là Thiếu tá Lò Văn Thép - ĐBP Mù Cả. Và còn nhiều mất mát nữa không thể nói hết bằng lời.
Lấy bảo vệ từng dải đất biên cương làm mục tiêu và lẽ sống, mỗi cán bộ, chiến sỹ công tác ở 13 ĐBP của tỉnh Lai Châu tựa những “mắt núi” canh giữ chủ quyền. Các anh cống hiến quên tuổi xuân, quên thời gian, quên hạnh phúc riêng tư và quên cả những gian lao thử thách để giữ biên, giúp dân bằng tất cả sự tận tâm và bằng mệnh lệnh từ trái tim mình.
(Còn nữa)
Bạch - Vương - Trang
Bình luận