Chủ nhật, 01/12/2024, 09:49 [GMT+7]

Nỗ lực triệt phá cây thuốc phiện

Thứ ba, 15/03/2011 - 15:09'
(BLC) - Những năm gần đây, với đặc thù địa bàn cùng với những phong tục tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa lén lút mua hạt giống cây thuốc phiện về trồng. 

CBCS Công an huyện Tân Uyên cùng nhân dân xã Hố Mít phá nhổ cây thuốc phiện trên địa bàn.      Ảnh: Bùi Chiến

Chỉ tính riêng giai đoạn 2005 – 2010, Lai Châu đã phát hiện, phá nhổ 550.163m2 cây thuốc phiện ở các xã vùng cao thuộc huyện Mường Tè, Than Uyên, Sìn Hồ, Tam Đường và Phong Thổ. Quá trình thực hiện công tác xóa bỏ cây thuốc phiện ở Lai Châu cho thấy xu hướng khá lo ngại là diện tích phá nhổ năm sau luôn cao hơn năm trước (cụ thể: năm 2005 phá nhổ được 107.539m2 - tăng 97.219m2 so với năm 2004; đến năm 2008 phá nhổ 194.355m2 - tăng 142.586m2 so với năm 2007; năm 2010 phá nhổ được 74.397m2 - tăng 4.914m2 so với năm 2009).

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện và có hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm (đã lập hồ sơ xử lý hành chính 14 đối tượng). Công an tỉnh – với chức năng là cơ quan thường trực phòng chống ma tuý của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các cấp chính quyền phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng, tái trồng cây thuốc phiện. Hàng năm ngay từ đầu các niên vụ tỉnh đã thành lập những đoàn công tác liên ngành để triệt phá loài cây này, thường thì vào mùa đông năm này kéo dài hết mùa xuân năm sau. Ngoài sự nỗ lực của lực lượng công an, biên phòng qua tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới, kiểm tra những vùng đất có thể trồng được cây thuốc phiện. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền và các cấp, ngành, đoàn thể chức năng đã phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân để hiểu được cây thuốc phiện tàn phá và hủy hoại con người, làm cho người dân nghèo đói; phân công bố trí cán bộ, chiến sỹ bám địa bàn triển khai đến từng gia đình, từng hộ dân làm đơn tự nguyện không tái trồng cây thuốc phiện.

Quá trình thực hiện các biện pháp trên cho thấy những người lén lút trồng lại cây thuốc phiện đều là người dân tộc thiểu số: Dao, Mông, Hà Nhì... biết được hành vi trồng cây thuốc phiện là phạm pháp, nhưng vẫn lén lút chọn những khe núi sâu, trong rừng già hoặc khuất lối đi, rồi bạt cây cỏ để làm mảnh nương nhỏ, gieo trồng hoặc trồng xen lẫn cùng các cây rau cải, cây hoa màu nên rất khó khăn cho việc phát hiện. Thậm chí trong nhiều trường hợp lực lượng chức năng phát hiện thấy diện tích cây thuốc phiện nhưng không xác định được chủ, nguyên nhân do đa số đồng bào dân tộc làm nương xa nhà, chỉ những đám ruộng nương đã canh tác nhiều năm thì mới dễ xác định chủ, còn những đám nương mới thì rất khó, thậm chí nhân dân trong bản cũng không thể biết được để trình báo tới cơ quan chức năng hoặc có biết diện tích cây thuốc phiện nhưng không biết của ai. Đây là một vấn đề khó khăn đặt ra trong việc xử lý hành vi trồng, tái trồng cây thuốc phiện ở Lai Châu. Hơn nữa, quy định về xử lý hành vi trồng cây thuốc phiện chưa đủ mạnh để răn đe, giáo dục. Theo quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý về mặt hình sự người trồng cây thuốc phiện thì người đó phải "đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. Để làm được điều này trong điều kiện địa bàn tỉnh ta là một vấn đề rất khó khăn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý việc tái trồng cây thuốc phiện.

Nhưng với quyết tâm cao, phấn đấu giải quyết triệt để tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, tỉnh đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như: tổ chức cho nhân dân ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma túy. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành việc không trồng, tái trồng cây thuốc phiện ngay từ đầu niên vụ; triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn không để tình trạng tái trồng cây thuốc phiện xảy ra và có hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Do đó năm nay, niên vụ 2010 – 2011, việc trồng cây thuốc phiện cơ bản đã được xóa bỏ, hiện đang ở đầu niên vụ nhưng qua công tác rà soát, nắm tình hình các địa bàn, các điểm có khả năng cao chưa phát hiện trường hợp nào tái trồng cây thuốc phiện.

Đình Thuấn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...