Thứ ba, 03/12/2024, 07:49 [GMT+7]

Tăng gia sản xuất ở Đồn Ma Lù Thàng

Thứ ba, 23/11/2010 - 14:47'
(BLC) - Những năm qua Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, mà còn thực hiện tốt công tác đảm bảo hậu cần kỹ thuật, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS).

CBCS chăm sóc rau xanh.

Trong tiết trời se lạnh những ngày đầu đông, chúng tôi có chuyến công tác ở Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng. Ấn tượng đầu tiên là doanh trại khang trang, sạch đẹp, có sân bóng chuyền, cầu lông, vườn hoa… xung quanh là những vườn rau xanh tốt.

Trung tá Vũ Đức Phong – Chính trị viên Đồn cho biết: “Thời gian gần đây, giá các mặt hàng liên tục leo thang, diễn biến của vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp. Trong khi đó, tiêu chuẩn bữa ăn cho bộ đội và khả năng cân đối Đồn lại hạn chế... Trước thực trạng đó, lãnh đạo Đồn xác định phải đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho CBCS trong bữa ăn và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vượt lên trên những khó khăn bởi điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nước khan hiếm, đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt… bằng sức lao động bền bỉ, sáng tạo, CBCS Đồn Biên phòng 297 đã xây dựng được những mô hình tăng gia sản xuất hiệu quả. Nhiều sản phẩm do đơn vị tăng gia sản xuất như rau xanh, củ quả, cá, dê, gà, vịt… đã góp phần tích cực cải thiện bữa ăn hàng ngày”.

CBCS thu hoạch cá.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy khu chăn nuôi, trồng trọt của đơn vị được quy hoạch khá hợp lý. Phía bên trong doanh trại là nơi chăn nuôi gà, vịt, lợn, dê... tiếp đến là 4 chiếc ao rộng 2.500m2 được ngăn ra để nuôi cá giống và cá thịt… kế bên là hơn 2.000m2 đất trồng các loại rau xanh như: rau muống, su hào, bắp cải, cà tím...

Được biết phải mất gần 1 tháng đào đất đá, tìm nguồn nước mới phát hiện ra mạch nước nhỏ trong khuôn viên doanh trại để đào ao thả cá. Khi có nước rồi CBCS xây thành bể để nước không bị cạn vào mùa khô. Còn để có được những luống rau lên xanh mơn mởn thế này thì CBCS trong Đồn phải vào các bản xin phân chuồng rồi lấy cỏ dại băm ra, sau đó đào hố ngâm ủ. Khi phân đã oải, mục trộn đều vào đất đã được cày tơi, rồi mới trồng rau...

Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của CBCS trong Đồn, nhiều năm qua, khu chăn nuôi, trồng trọt của đơn vị đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, Đồn đang nuôi 27 con dê, gần 100 con gia cầm các loại; mỗi lứa thu từ 5 đến 7 tạ cá các loại. Mùa nào rau nấy, Đồn đã đảm bảo 100% rau xanh đưa vào bữa ăn cho bộ đội. Sản phẩm làm ra được anh em trong Đồn trao đổi với nhân dân địa phương, qua đó càng làm tăng thêm tình đoàn kết quân dân nơi biên giới.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, Đồn tập trung nuôi trồng thí điểm, mô hình nào thành công thì nhân ra đại trà. Ví dụ như mô hình nuôi cá vược không chỉ phù hợp với nguồn nước lạnh mà còn ít bị nhiễm bệnh, nên Đồn đã thả trên 50% giống cá vược trong tổng số cá được thả và khi thu hoạch cá cho trọng lượng hơn 2kg/con. Hay mô hình nuôi dê từ 5 con nay lên tới gần 30 con. Bên cạnh đó, mỗi khi Hội Nông dân tỉnh, huyện mở các lớp dạy nghề, thí điểm cây, con giống mới, Đồn đều cử cán bộ, chiến sỹ tham gia họp tập, qua đó, CBCS đã nắm được kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.

Chia tay với CBCS Đồn 297 chúng tôi còn nhận được lời hẹn “Tháng sau mời phóng viên lên thăm mô hình nuôi lợn rừng nhé. Hiện nay, Đồn đã làm xong chuồng nuôi rồi, con giống cũng đang trên đường vận chuyển lên…”. Lời hẹn ấy càng khiến chúng tôi thêm cảm phục ý chí và nghị lực của những người lính biên phòng. Họ đã vượt qua bao khó khăn, vất vả, ngày đêm bám giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền biên giới.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...