Ý thức chấp hành quy định không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông: Chuyển biến rõ nét
Trước tình hình trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, CCVCLĐ trong một số cơ quan, đơn vị; cán bộ, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Cá biệt có trường hợp là lãnh đạo vi phạm nhưng không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn khi được lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra.
Xác định nguyên nhân của tình trạng trên là do thủ trưởng, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT chưa sâu sắc, toàn diện; phê bình, nhắc nhở không kịp thời, xử lý không nghiêm khi cán bộ vi phạm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, chưa nghiêm túc trong chấp hành pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Để khắc phục tình trạng này, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia không lái xe”, ngày 3/10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường tuyên truyền, quán triệt cán bộ, đảng viên, CCVCLĐ tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đảm bảo trật tự ATGT. Quán triệt đến tất cả cán bộ, đảng viên, CCVCLĐ trong cơ quan, đơn vị; cán bộ, chiến sỹ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân phải gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; không can thiệp vào việc xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; có hình thức kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng lòng dân của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự kiên quyết, nghiêm khắc trong xử lý vi phạm của lực lượng CSGT đối với người vi phạm quy định về nồng độ cồn đã tác động tích cực tới ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Điều dễ nhận thấy là người dân dần nâng cao ý thức tự giác tuân thủ quy định “Đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện giao thông”.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Rõ nét nhất là vừa qua, nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), nhiều cơ quan, đơn vị... tổ chức liên hoan chúc mừng chị em. Khác với mọi năm, năm nay, vẫn là nâng ly chúc mừng và những tiếng zô vang cùng tiếng cười giòn tan, cái bắt tay vẫn chặt nhưng rượu ở nhiều mâm được thay thế bằng đồ uống không có cồn (nước ngọt, nước lọc...).
Chúng tôi gặp chị Lò Phương Hạnh (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vừa kết thúc bữa tiệc liên hoan chuẩn bị lái xe về. Chị vui vẻ chia sẻ: Tối nay liên hoan nhưng lãnh đạo, đấng mày râu trong cơ quan tôi tâm lý lắm, không ép uống rượu. Khi đến từng mâm chúc mừng còn hỏi thăm, nếu ai lái xe thì nhắc không được uống đồ uống có cồn để tham gia giao thông an toàn. Không men say như mọi lần nhưng tôi thấy cuộc vui vẫn tưng bừng, sức khỏe đảm bảo.
Sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh và việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn được đông đảo dư luận đồng tình, ủng hộ. Nhất là các chị em có chồng, người yêu hay phải đi tiệc tùng càng phấn khởi. Chị Trần Thị Mến (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) tâm sự: Trước đây, mỗi lần chồng đi ăn cơm mời là tôi lo lắng lắm, sợ uống rượu quá chén, lái xe không đảm bảo ATGT. Gần đây, nhờ lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra kiểm soát, siết chặt việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, ý thức của chồng tôi chuyển biến đáng mừng. Hôm nào phải lái xe thì chắc chắn từ chối không uống rượu, bia; còn hôm nào xác định uống rượu thì đi tacxi hoặc nhờ vợ đưa đón. Tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều!
Thời điểm này, câu chuyện nhắc nhau “đã uống rượu bia, không lái xe” dường như trở nên quen thuộc hơn trong cuộc sống hàng ngày. Thiết nghĩ, việc chấp hành các quy định về nồng độ cồn thể hiện trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng. Lẽ ra mỗi người phải tự lo cho sức khỏe, sinh mạng của mình khi tham gia giao thông, tại sao lại phải để lực lượng chức năng phải vất vả, tăng cường các giải pháp, suy cho cùng cũng chỉ vì lo cho hạnh phúc của mỗi nhà, mỗi người. Theo quy định mức xử phạt đối với tài xế ôtô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm. Đối với xe máy, mức vi phạm nồng độ cồn nặng nhất bị phạt kịch khung từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Nếu vi phạm thì số tiền nộp phạt không nhỏ, trong khi số tiền đó có thể sử dụng vào nhiều việc có ích khác.
Từ sự chuyển biến rõ nét về ý thức chấp hành quy định không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông góp phần không nhỏ vào kết quả: trong quý III, tình hình tai nạn giao thông của tỉnh giảm về số vụ, số người chết, số người bị thương không tăng, không giảm so với cùng kỳ năm 2022. Đáng mừng là theo số liệu báo cáo của các sở, ban, ngành, địa phương, không có cán bộ, CCVCLĐ bị xử lý vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Tuy đã có những tín hiệu đáng mừng nhưng theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, một bộ phận người dân còn tâm lý “Chờ kết thúc cao điểm” để tái vi phạm. Do đó, cần tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm về trật tự ATGT với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông.
Thảo Chi
Bình luận