Đẩy mạnh thông tin trợ giúp pháp lý đến người dân vùng cao
Xác định công tác truyền thông trợ giúp pháp lý, nâng cao kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lai Châu tập trung xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung, tài liệu. Đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã: Nậm Hăn, Nậm Cha, Noong Hẻo, Tủa Sín Chải... Trong đó, tập trung vào những nội dung thiết yếu như: quyền sở hữu đất đai, giải quyết tranh chấp, chính sách hỗ trợ người nghèo và nhóm yếu thế... giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong các vấn đề liên quan đến pháp luật.
Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lai Châu đẩy mạnh truyền thông trợ giúp pháp lý cho cán bộ xã, bản trên địa bàn huyện Sìn Hồ.
Ông Quàng Văn Inh - công chức tư pháp xã Nậm Cha cho biết: “Trước đây, bà con trong xã khi gặp rắc rối pháp lý thường lúng túng, không biết tìm đến ai để giúp đỡ. Nhưng nhờ những buổi tuyên truyền pháp luật, bà con đã hiểu rõ quyền lợi của mình. Bây giờ nếu có vấn đề gì, bà con có thể tìm đến chính quyền xã, hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh để được tư vấn cụ thể.”
Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi pháp lý của người dân, chính quyền huyện Sìn Hồ cùng các địa phương còn nỗ lực giúp bà con hiểu luật pháp không phải là điều xa lạ, mà chính là công cụ bảo vệ quyền lợi và tạo ra công bằng trong xã hội. Anh Phan A Diền, trưởng bản Nậm Cha, xã Nậm Cha huyện Sìn Hồ chia sẻ: “Trước đây, khi nghe đến chuyện pháp luật hay tranh chấp, bà con thường e ngại nghĩ rằng các thủ tục sẽ phức tạp và tốn kém. Nhưng nhờ được tiếp cận các buổi tuyên truyền, người dân đã biết cách xử lý các vấn đề pháp lý và tự tin hơn khi đối diện với những vấn đề liên quan đến quyền lợi”
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ chính quyền các địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp nhiệt tình, có kiến thức chuyên môn sâu, sẵn sàng đồng hành cùng bà con nhân dân trong mọi vấn đề. Đội ngũ này thường xuyên đến các xã, bản, tận tâm tư vấn cho nhân dân và giải thích về các quyền lợi pháp lý mà bà con có thể được hưởng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lai Châu đã tổ chức 23 buổi hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền pháp luật tới các xã, bản khó khăn của huyện Sìn Hồ, thu hút hàng nghìn lượt người dân tham gia.
Người dân bản Nậm Cha, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ tham gia tiếp nhận hỗ trợ pháp lý.
Tuy nhiên công tác trợ giúp pháp lý tại huyện Sìn Hồ còn gặp nhiều khó khăn: nhiều bản ở vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều người dân chưa hoàn toàn hiểu và tiếp cận được với các quyền lợi pháp lý hợp pháp của mình...
Anh Lê Mạnh Hùng - Trợ giúp viên, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Để người dân hiểu về pháp luật và thực sự nắm chắc quyền lợi của mình, cần sự hỗ trợ liên tục từ các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể. Ngoài việc cung cấp dịch vụ, tư vấn miễn phí, chúng tôi luôn cố gắng giải thích một cách dễ hiểu nhất, sử dụng cả tiếng dân tộc để bà con hiểu và áp dụng pháp luật trong thực tiễn.”
Để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, chính quyền huyện Sìn Hồ sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan mở rộng phạm vi hỗ trợ và cải thiện pháp lý dịch vụ chất lượng. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các chương trình phát thanh bằng ngôn ngữ dân tộc nhằm đưa thông tin, luật pháp đến gần hơn với cuộc sống của bà con vùng sâu vùng xa, khu vực khó khăn.
Được sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức pháp lý, người dân các xã vùng sâu vùng xa của huyện Sìn Hồ như: xã Nậm Mạ, Nậm Cha, Noong Hẻo… đang dần hình thành được môi trường sống văn hoá, tôn trọng pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, người dân hiểu rõ quyền lợi của mình. Những buổi hỗ trợ pháp lý đã trở thành những dịp đặc biệt để người dân tìm hiểu, trao đổi và giải đáp mọi thắc mắc về luật. Quan trọng hơn là, bà con nhân dân có nơi để tìm đến khi cần hỗ trợ về pháp lý.
Hỗ trợ pháp lý cho người dân không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức xã hội đảm bảo quyền lợi của người dân, mà đây còn là một sợi dây kết nối giữa các thành phần trong xã hội, giúp người dân tin tưởng hơn vào chính quyền, vào pháp luật. Niềm tin này là động lực để bà con nhân dân các xã khó khăn của huyện Sìn Hồ vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Mạnh Hùng
Bình luận