Thứ năm, 12/12/2024, 18:27 [GMT+7]
An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người!:

Không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông

Thứ năm, 25/07/2019 - 20:02'
Thời gian qua, tình trạng người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã làm xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đau lòng. Để hạn chế tình trạng này, cần nâng cao nhận thức của người dân và có chế tài xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Những nguy hiểm

Theo các chuyên gia y tế, cồn là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, nồng độ cồn trong rượu, bia, tác động vào thần kinh dễ khiến người điều khiển phương tiện không làm chủ được và gây ra tai nạn.

s

Cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Cụ thể, uống bia, rượu làm chậm thời gian phản xạ, vì vậy, tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn. Chẳng hạn, khi thấy một người đi ngang đường bất ngờ cần phải phanh xe gấp, não sẽ mất một khoảng thời gian lâu hơn để đưa ra quyết định. Khi uống nhiều bia rượu, các kỹ năng phối hợp vận động giữa mắt, tay và chân cũng bị ảnh hưởng. Những dấu hiệu thể hiện tình trạng này bao gồm đi loạng choạng hoặc không thể đứng thẳng. Khi uống quá nhiều, thậm chí còn không thể ngồi được vào trong xe hay tìm cách nổ máy. Trong lúc lái xe, phải tập trung để chạy xe đúng làn đường, kiểm soát tốc độ, dừng đèn giao thông hay tránh các phương tiện giao thông khác. Uống bia rượu, dù ở mức độ nào, đều có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung. Bị mất đi khả năng tập trung trong khi phải thực hiện việc lái xe đòi hỏi chú ý vào nhiều điều khác nữa, nên rất dễ gây ra tai nạn.

Khi uống nhiều bia rượu, mắt bị mờ đi là do ảnh hưởng của chất cồn trên sức nhìn, thậm chí không thể điều khiển mắt mình. Sức nhìn giảm thì không thể đưa ra những phán đoán chính xác về khoảng cách giữa xe mình và các phương tiện khác cùng lưu thông trên đường. Thêm vào đó, chỉ thấy được rõ ở hướng nhìn thẳng mà không nhìn rõ những vật thể xung quanh. Khi điều khiển xe, khả năng phán đoán đóng vai trò rất quan trọng giúp đưa ra các quyết định xử lý. Ví dụ như, phải đưa ra những khả năng và tình huống ứng xử trong trường hợp chiếc xe chạy phía trước mình đột ngột chuyển làn hay rẽ. Đòi hỏi người điều khiển phương tiện luôn tỉnh táo và nắm rõ tình trạng xung quanh khi lái xe. Tuy nhiên, khả năng này bị giảm đi khi uống rượu, bia.

Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu, bia đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam cho thấy, có tới 70% số người sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng vẫn tiếp tục tự lái xe, với tỷ lệ vi phạm các quy tắc ATGT rất cao: 36% chuyển hướng không đúng quy định, 26% đi ngược chiều, 17% không bật đèn xe...

Uống rượu, bia khi tham gia giao thông đã gây những hậu quả đau lòng, ảnh hưởng tới hạnh phúc của nhiều gia đình. Không ít nạn nhân xấu số phải ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, người còn sống rơi vào cảnh thương tật hoặc cha mẹ mất con, chồng mất vợ, con thơ mồ côi cha mẹ… Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra tại km 08+650 tỉnh lộ 132 huyện Phong Thổ. Xe mô tô BKS 25B1 - 078.24 do anh Lò Văn Tự (SN 1979 trú ở huyện Tam Đường) chở chị Lò Thị Minh (SN 1976) đâm vào miệng cống thoát nước ở lề đường. Hậu quả, chị Minh tử vong, anh Tụ bị thương, xe môtô hư hỏng. Nguyên nhân do anh Tụ thiếu chú ý quan sát và trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh thực hiện nhiều đợt ra quân kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đã phát hiện và lập biên bản hơn 200 trường hợp. Thời gian này, những chiến sỹ áo vàng cũng đang đồng loạt ra quân tổng kiểm soát các phương tiện giao thông, trong đó tập trung vào xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Trung tá Vương Trung Dũng - Phó Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Qua công tác tuần tra, kiểm soát, việc phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 46/CP còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp không hợp tác mà cản trở, chống đối, lăng mạ, chửi bới, bỏ chạy, bỏ đi không làm việc, không chấp hành thổi hoặc thổi hời hợt vào máy đo nồng độ cồn, gây khó dễ, thậm chí không ký vào biên bản vi phạm… Ngoài những hành vi chống đối của cá nhân trong xử lý vi phạm nồng độ cồn còn có sự hậu thuẫn của một số quán bia, quán nhậu. Đáng chú ý là có một số quán bố trí người cảnh giới để theo dõi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và báo cho những người điều khiển giao thông, đợi lực lượng chức năng rút khỏi mới cho khách ra về...

Để xử lý triệt để những trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, góp phần đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh, Phòng CSGT Công an tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát, đặc biệt là lập chốt ngay tại khu vực gần các nhà hàng, quán nhậu để phát hiện xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Lực lượng làm nhiệm vụ phải tiếp cận với những người đã sử dụng rượu, bia (tinh thần dễ bị kích động dẫn đến lời nói, hành động manh động). Do đó, cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ phải chấp hành nghiêm quy trình, chế độ công tác và Điều lệnh Công an Nhân dân; giữ đúng tư thế tác phong và thái độ nghiêm túc, kiên quyết song hết sức mềm dẻo, lịch sự. Mặt khác, phải linh hoạt trong xử lý để tránh xung đột và xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ.

Trung tá Vương Trung Dũng cho hay: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 7 vừa qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT, trong bối cảnh tình hình hiện nay ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy, việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã sử dụng rượu, bia sẽ không được điều khiển phương tiện giao thông là rất cần thiết. Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo hành lang pháp lý và chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.

ATGT là hạnh phúc của mọi nhà, vì vậy, mỗi người dân hãy tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, vì tính mạng của chính mình và cộng đồng.

Phương Thảo

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...