Không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông
Là tỉnh miền núi, biên giới, Lai Châu có 20 dân tộc (Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, Cống, Mảng…). Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình đầu tư thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng tăng nhanh.
Hiện toàn tỉnh có 186.422 phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó, xe ô tô 8521, xe mô tô 177.901. Để nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông, từ ngày 01/01/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực và thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh, Cục CSGT, cụ thể hóa thành kế hoạch, chuyên đề với khẩu hiệu: “Cán bộ chiến sỹ Công an Lai Châu đoàn kết, chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”. “Chiến sĩ CSGT - Bình yên trên những tuyến đường”.
Thượng tá Đinh Văn Báu - Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Ngay sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm chuyên đề tuần tra kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy và nồng độ cồn. Lực lượng CSGT trong toàn tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Năm An toàn giao thông; tuyên truyền bằng nhiều hình thức tuyên truyền miệng, một số hình ảnh, các vụ tai nạn giao thông điển hình có liên quan đến sử dụng rượu bia… Qua đó, giúp Nhân dân hiểu rõ nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và nâng cao ý thức trách nhiệm khi lưu thông trên đường để bảo vệ tính mạng của mình và cho cộng đồng.
Lực lượng CSGT (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Có mặt tại buổi tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, chúng tôi được nghe người dân địa phương chia sẻ về những phong tục tập quán, thói quen sử dụng rượu, bia của người dân tại dịp lễ tết, hội hè hoặc những chuyện vui, buồn, trong đó, không thể thiếu rượu, bia. Từ người già, trẻ nhỏ hay phụ nữ đều biết uống rượu. Rượu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, xô xát gây mất đoàn kết và gây tai nạn giao thông. Thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp của cán bộ, chiến sỹ CSGT, của chính quyền địa phương, các đoàn thể, người dân đã nâng cao nhận thức, mạnh dạn loại bỏ rượu ra khỏi đời sống hàng ngày và đưa vào hương ước chung của bản. Anh Vàng A Vư, bản Sin Suối Hồ nói: Nội dung tuyên truyền tác hại của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông được cán bộ, chiến sỹ CSGT cụ thể hóa qua các vidio, tình huống cụ thể. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ tác hại khi sử dụng rượu bia đối với sức khỏe, an toàn khi lưu thông trên đường. Hiện nay trong bản hầu như không còn sử dụng rượu bia tại các dịp lễ tết, ngày hội, trong đời sống thường ngày.
Trước đây, người dân bản Lao Chải 2, xã Khun Há, huyện Tam Đường sử dụng rượu mọi lúc, mọi nơi như: gặp gỡ bạn bè, đi chợ, đi hội, đi làm nương. Trên các con đường về xã, bản, về nhà không thiếu hình ảnh người say rượu đi “vắt sổ” hoặc ngủ bên đường. Đời sống phát triển, nhà nào cũng mua xắm được xe mô tô làm phương tiện đi lại, việc sử dụng rượu, bia và tham gia giao thông vẫn diễn ra. Nhiều vụ tai nạn gãy tay, chân, đa chấn thương đã xảy ra khiến gia đình kiệt quệ về kinh tế, tổn hại về sức khỏe. Cùng với đó là sự tuyên truyền sâu rộng của lực lượng Cảnh sát giao thông, của chính quyền địa phương, qua phương tiện thông tin đại chúng và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong chương trình sắp xếp ổn định dân cư, người dân Lao Chải 2 đã di cư về bản mới. Về bản mới, dân bản xây dựng quy ước, đời sống văn hóa mới, trong đó có bước tiến mới là loại bỏ rượu, bia ra khỏi đời sống thường ngày. Để hôm nay đây, trong các bữa tiệc của người dân bản không còn có sự hiện diện của rượu, bia. Anh Giàng A Lử (người dân trong bản) chia sẻ: Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông có mức phạt rất cao, có thể bằng thu nhập cả năm của hộ dân nghèo, mặt khác lại gây hại cho sức khỏe. Trong quy ước của bản đã quy định nếu hộ dân vi phạm sử dụng rượu, bia lần đầu sẽ bị nhắc nhở đến lần 2 - lần 3 sẽ phạt 100 nghìn đồng, đồng thời đây cũng là tiêu chí đánh giá vào ý thức thi đua, xây dựng gia đình văn hóa cuối năm.
Gần một năm qua, khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe” xuất hiện hầu khắp trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có nhưng người sau khi sử dụng rượu bia vẫn cầm tay lái lao vun vút trên đường, có thể họ nghĩ rằng do chế tài xử phạt chưa mạnh hoặc có thể do ý thức, thói quen trong cuộc sống. Họ đâu biết rằng, thói quen xấu ấy không chỉ gây nguy hại cho chính bản thân mình mà còn ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Đừng vì lời chúc tụng “rô, cạn” mà để lại nỗi đau không có gì có thể bù đắp được. Tiến tới chấm dứt được tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT đã nỗ lực vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, thay đổi hành vi, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Qua đó đẩy lùi tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn do rượu bia gây ra.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT trong tỉnh đã tổ chức 37 buổi tuyên truyền đến với người dân trên địa bàn tỉnh. Đại úy Hoàng Trường Sơn - cán bộ Đội CSGT đường bộ số 2 cho biết: “Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tuy phát triển mạnh nhưng chủ yếu là đường đèo dốc, với các khúc cua tay áo, độ dốc lớn, đường trơn trượt do mưa, xương mù làm ảnh hưởng đến việc lưu thông và tầm nhìn bị hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Vì vậy, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với nội dung cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng nồng độ cồn như: người điều khiển mô tô, xe máy, có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng chính là bước đột phá mới trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, sức khỏe người dân và cộng đồng. Lực lượng CSGT đã đổi mới trong công tác tuyên truyền, cụ thể Luật, nghị định để người dân các dân tộc hiểu và chấp hành nghiêm. Riêng năm 2019, lực lượng CSGT tỉnh Lai Châu đã kiểm soát 11.013 trường hợp, qua đó phát hiện 14 trường hợp sử dụng chất ma túy, 269 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và các chất kích thích khác, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 chính là bước tiến mới trong việc thay đổi thói quen sử dụng rươu bia của Nhân dân theo hướng tích cực và văn minh hơn.
Thiếu tá Nguyễn Thế Hùng - Phòng CSGT, Công an Lai Châu
Bình luận