Phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng cháy, chữa cháy
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
9 tháng 2024 toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy (3 vụ cháy nhà, 9 vụ cháy rừng) làm 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại 20,358ha rừng và tài sản khoảng 850 triệu đồng. Trung tá Vũ Văn Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy đã tăng 8 vụ cháy, số người chết do cháy tăng 2 người. Các vụ cháy xảy ra trên địa bàn chủ yếu là cháy nhà dân do chập điện, cháy rừng do người dân đốt nương. Để ngăn chặn “giặc lửa”, đơn vị đã đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở phát động thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”.
Cán bộ phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” tới cán bộ, nhân viên Viettel Lai Châu.
Để đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền, Phòng chủ động xây dựng đề cương tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng, đăng tải các tin, bài, clip tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, dễ hiểu về: mục đích, ý nghĩa của phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”; kiến thức cơ bản, kỹ năng PCCC trong quá trình sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt hoá lỏng, PCCC rừng; cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra… Đa dạng các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền lưu động bằng xe chữa cháy; qua loa phát thanh của các phường, xã, bản; trực tiếp qua cán bộ công an các cấp và UBND cấp xã tại các hội nghị, họp bản, tổ dân phố; kết hợp qua các buổi kiểm tra điều kiện an toàn PCCC.
Bên cạnh đó, phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đẩy mạnh tuyên truyền qua các trang thông tin điện tử, nền tảng mạng xã hội facebook của Công an tỉnh, website “canhsatpccc.gov.vn” của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (C07). Đồng loạt ra quân tuyên truyền và niêm yết mã QR Code do C07 thiết lập tại các khu vực tập trung đông người, nơi làm việc, nơi ở để qua đó người dân dễ dàng tìm hiểu thông tin, kiến thức, kỹ năng về PCCC. Duy trì và phát triển ứng dụng “Báo cháy 114”.
Diễn tập giả định phương án chữa cháy và CNCH tại cây xăng.
9 tháng 2024, phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã xây dựng, đăng tải 21 tin, bài, 7 clip (lượng đăng tải 42 lượt clip/tháng) tuyên truyền, khuyến cáo về công tác PCCC, cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trên Báo Lai Châu, Đài Phát thành - Truyền hình tỉnh, trang thông tin điện tử Công an tỉnh, website của C07. Tổ chức được 30 lượt tuyên truyền lưu động bằng xe chữa cháy.
Gắn lý thuyết với thực hành
Cùng với đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền phòng Cảnh sát PCCC&CNCH chú trọng gắn lý thuyết với thực hành. 9 tháng năm 2024, phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức 14 buổi tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành PCCC&CNCH cho 4.531 người là học sinh, nhân viên, cán bộ giáo viên các trường học; 525 người là đoàn viên, thanh niên; 381 người là thành viên các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Tổ chức thực tập, diễn tập 18 phương án chữa cháy, 22 phương án CNCH tại các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp. Phối hợp tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho 1.104 học viên là lực lượng dân phòng thuộc 552 thôn, bản, tổ dân phố tại 4 huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Than Uyên, Tam Đường.
Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Lai Châu) trải nghiệm đu dây thoát hiểm từ trên nhà cao tầng xuống.
Tại các buổi trải nghiệm, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và diễn tập phương án chữa cháy, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn và để học viên thực hành thực tế kỹ năng xử lý sự cố cháy nổ xảy ra ban đầu, cách chữa cháy bình ga, đám cháy bằng bình chữa cháy xách tay; kỹ năng sơ cấp cứu người bị nạn, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói; thực hành phun nước tiêu điểm chữa cháy; cách thoát nạn từ trên cao xuống bằng dây, xe thang, ống chui…
Tham gia diễn tập phương án chữa cháy và CNCH do Viettel Lai Châu phối hợp tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, chị Phạm Thị Thu Hoài – Nhân viên tổ chức lao động, Chi nhánh Bưu chính Viettel Lai Châu chia sẻ, được trực tiếp trải nghiệm khi có sự cố cháy xảy ra phải sơ tán, chữa cháy trong môi trường khói mù mịt tôi mới hiểu được phần nào nỗi vất vả của lực lượng PCCC chuyên nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhờ diễn tập thực tế tôi biết thêm nhiều kiến thức về chữa cháy, cứu nạn. Nếu gặp cháy nổ tôi sẵn sàng áp dụng các kiến thức đã được truyền đạt để tham gia chữa cháy kịp thời; trong cuộc sống hằng ngày tôi sẽ ý thức hơn việc sử dụng điện, bình ga; tuyên truyền các kỹ năng chữa cháy, thoát nạn mà mình đã được trải nghiệm cho bà con hàng xóm và dạy con không được nghịch, chơi với lửa nhằm ngăn chặn và hạn chế thiệt hại thấp nhất cháy xảy ra.
Nhiều mô hình “ra đời” từ sức dân
Từ các giải pháp, cách làm cụ thể đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, người dân trong chủ động PCCC, phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” từng bước được lan tỏa, thu hút đông đảo người dân tham gia. Minh chứng rõ nét là một số cơ quan, đơn vị đã xây dựng, tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, CNCH; nhiều hộ dân, hộ sản xuất kinh doanh, nhà hàng tự giác trang bị bình chữa cháy chuyên dụng và tự nguyện đăng ký tham gia tổ, đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng.
Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ thực hành chữa cháy cho thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC nhóm 1, tổ 12, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu.
Trung tá Vũ Văn Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có 956 đội dân phòng với 10.510 đội viên; 1.365 đội PCCC cơ sở với 7.745 đội viên; có 99 Tổ liên gia an toàn PCCC và 9 điểm chữa cháy công cộng. Các tổ, đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng được trang bị một số phương tiện, thiết bị chữa cháy cần thiết. Không chỉ vậy họ còn chủ động mua sắm thêm các bình chữa cháy chuyên dụng, kìm, thang dây để có thể xử lý trong trường hợp cần thiết cho chính gia đình, hàng xóm. Nhờ đó đã trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng PCCC ở cơ sở.
Là một trong những tổ tiêu biểu trong PCCC ở cơ sở, Tổ Liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng tại Tổ dân phố số 6, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu gồm 2 nhóm: Nhóm 1 có 9 hộ, Nhóm 2 có 11 hộ. Ông Bùi Văn Hồng - Tổ trưởng dân phố số 6 cho biết: Đặc thù các hộ dân tại Tổ hầu hết là kinh doanh các mặt hàng như: chăn, ga, gối, đệm, điện tử... vì vậy tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và nếu không may xảy ra cháy nổ cũng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Do đó, chúng tôi đã đăng ký thành lập Tổ Liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng. Mỗi hộ tham gia đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay, bộ dụng cụ phá dỡ, có nhà còn thiết kế thang thoát hiểm. Đặc biệt, tự nguyện đầu tư lắp các nút ấn báo cháy, chuông báo ở trong, ngoài nhà và kết nối liên thông với tất cả các hộ khác trong nhóm để khi có sự cố tại một hộ có thể kịp thời phối hợp chữa cháy và cứu trợ nhau về người, tài sản.
“Mỗi gia đình an toàn, mỗi khu phố an toàn, mỗi phường xã an toàn”, “mỗi người dân là một chiến sỹ cứu hỏa” đã và đang trở thành phương châm hành động của các cấp, ngành, cộng đồng trong công cuộc ngăn chặn, kìm chế “giặc lửa”. Qua đó, từng bước khẳng định phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” ngày một phát triển, đi sâu vào thực chất, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vương Trang
Bình luận