Siết chặt kiểm tra, xử lý “ma men” trên đường
Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm
Trung tá Đỗ Tú Anh - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh cho biết: Nhằm đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật giao thông đối với người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, Phòng CSGT đã tham mưu Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 816/KH-CAT-PC08 ngày 21/2/2022 về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.
Đồng thời, chỉ đạo các đội nghiệp vụ trực thuộc, đội CSGT công an các huyện, thành phố xây dựng các kế hoạch thường xuyên tuần tra kiểm soát, thổi nồng độ cồn trên các tuyến thường xảy ra vi phạm.
Cán bộ Đội CSGT đường bộ số 1 kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông.
Để thực hiện mục tiêu giảm TNGT về số vụ, số người chết, số người bị thương; phòng ngừa và ngăn chặn các vụ TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn; công tác tuyên truyền được tăng cường. Lực lượng CSGT trực tiếp xuống địa bàn các bản, xã trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường học, cơ quan, doanh nghiệp... tuyên truyền các tầng lớp Nhân dân chấp hành nghiêm quy định khi tham gia giao thông. Đặc biệt, cán bộ CSGT không quản ngày đêm thường xuyên tuần tra kiểm soát, lập các chốt thổi nồng độ cồn, xử lý vi phạm tại chỗ, qua đó, hạn chế mức tối đa người tham gia giao thông vi phạm.
Tối ngày 27/9 vừa qua, có dịp được chứng kiến cán bộ Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT - Công an tỉnh) làm nhiệm vụ tại chốt thổi nồng độ cồn, mới thấy những vất vả của các anh. Khi người dân đang quây quần bên gia đình thì các “chiến sỹ áo vàng” vẫn phải đứng ngoài trời gió bụi, sương đêm lạnh làm nhiệm vụ.
Qua chia sẻ của Đại úy Bùi Thái Hà - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1 và các cán bộ chiến sỹ trong đội, nhất là được “tận mục sở thị” thực tế tại chốt, chúng tôi thấy trong quá trình làm việc, các anh còn gặp không ít khó khăn như: nhiều người tham gia giao thông có biểu hiện say xỉn, không hợp tác, lời lẽ không chuẩn mực, thậm chí có trường hợp còn lao xe thẳng vào cán bộ chiến sỹ đang thực thi nhiệm vụ. Hay có người vừa thấy bóng CSGT từ xa đã quay đầu xe bỏ chạy...
Vượt mọi trở ngại, CBCS vẫn nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao, tất cả vì mục tiêu đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, vì hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Được biết từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đã bố trí 720 ca tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên các tuyến giao thông. Tiến hành kiểm tra hơn 2.008 phương tiện, lập 1.713 biên bản vi phạm hành chính; trong đó, lập biên bản 175 trường hợp, xử lý 168 trường hợp vi phạm nồng độ. Đây là hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến TNGT và nhiều hệ lụy khác cho xã hội.
Giảm cả 3 tiêu chí
Từ triển khai thực hiện tốt các kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong dịp lễ, tết; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về giao thông với nhiều hình thức; tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm... đã góp phần kiềm chế và làm giảm TNGT.
Cũng nhờ đó, tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí. 9 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 31 vụ TNGT, làm 15 người chết, 25 người bị thương (giảm 34 vụ, 12 người chết, 45 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021). Trong số các vụ TNGT trên, không có vụ nào nguyên nhân liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Mặc dù vẫn còn xảy ra TNGT nhưng không đặc biệt nghiêm trọng, không gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ kết hợp tuyên truyền nhắc nhở người tham gia giao thông chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Theo Trung tá Đỗ Tú Anh - Phó Trưởng Phòng CSGT, nguyên nhân chủ quan gây ra tai nạn và vi phạm pháp luật về giao thông là yếu tố con người. So với trước đây, hiện nay, ý thức chấp hành giao thông của người dân nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn còn thiếu kiến thức, kỹ năng khi tham gia giao thông. Việc uống rượu, bia diễn ra khá phổ biến. Do nhận thức còn chưa đầy đủ, nhiều người sau khi uống rượu vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm.
Để không còn “ma men” trên đường, hạn chế thấp nhất các vụ TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT kết hợp với tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm. Trong đó, tuyên truyền là giải pháp chủ yếu, quan trọng hàng đầu để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người dân.
Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng các phương án, kế hoạch tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm nồng độ cồn. Đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát của các kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn tập trung vào khung giờ thường xảy ra vi phạm để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Vận động Nhân dân tích cực tham gia công tác đảm bảo ATGT, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các mô hình tự quản giữ gìn ATGT tại các bản, tổ dân phố.
Thảo Nguyên
Bình luận