Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định trong thực tế tiến hành cách mạng và được Nhân dân thừa nhận
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngonc độc lập ngày 2/9/1945.
(1) Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tế kiểm nghiệm, nhất là vào những bước ngoặt của lịch sử.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, đưa sự nghiệp đó đến thắng lợi hoàn toàn.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công sự nghiệp phát triển đất nước sau ngày 30/4/1975.
Khi chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào khủng hoảng, các đảng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đã tiến hành cải tổ, cải cách nhưng không thành công; bị đổ vỡ, do đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội vào những năm 80 của thế kỷ XX, đưa đất nước vững bước trên con đường đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều.
Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”.
(2) Nhân dân ta ghi nhận bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được chứng minh trong lịch sử dân tộc, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng, đã thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam được Nhân dân che chở, xây dựng. Nhân dân Việt Nam trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng ta”. Bài học từ sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu còn nguyên giá trị.
Từ khi chấp nhận bỏ Điều 6, Hiến pháp Liên Xô, đã dẫn đến tình trạng xuất hiện đa đảng và hậu quả là Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo, chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ. Nhân dân Việt Nam nhận rõ hơn ai hết, nếu chấp nhận đa đảng, chế độ XHCN sẽ sụp đổ, đất nước sẽ rối loạn, thành quả mà Nhân dân đã tốn biết bao xương máu mới giành được sẽ rơi vào tay các thế lực không trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc. Nhân dân Việt Nam không thể chấp nhận điều đó.
(3) Hiện nay, ở Việt Nam không có lực lượng chính trị nào đủ tư cách và năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuyệt đại đa số Nhân dân tin tưởng vào Đảng, đồng thời mong muốn Đảng tự chỉnh đốn, khắc phục các khuyết điểm, yếu kém để hoàn thành sứ mệnh của mình là lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng cũng đang quyết tâm tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để “Đảng là đạo đức, là văn minh” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
Bình luận